Người trẻ Tam Hưng số hóa di tích

Tự hào về di tích lịch sử cấp quốc gia chùa Bối Khê, trong đó có hầm địa đạo từ kháng chiến chống thực dân Pháp, các bạn đoàn viên thanh niên xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai) đã dày công nghiên cứu, sưu tầm tư liệu về di tích, rồi số hóa để thuận tiện lan tỏa thông tin đến cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Ðoàn viên thanh niên xã Tam Hưng thuyết minh giới thiệu về di tích lịch sử cấp Quốc gia chùa Bối Khê cho các em học sinh.
Ðoàn viên thanh niên xã Tam Hưng thuyết minh giới thiệu về di tích lịch sử cấp Quốc gia chùa Bối Khê cho các em học sinh.

Bí thư Ðoàn Thanh niên xã Tam Hưng Nguyễn Thị Quỳnh Thư cho biết, chùa Bối Khê là một trong những ngôi chùa cổ ở miền bắc. Chùa hơn 600 năm tuổi, nổi tiếng với những bức chạm gỗ tuyệt đẹp cùng nhiều hiện vật mang giá trị lịch sử, văn hóa ở các thời kỳ khác nhau. Ngôi chùa cũng có giá trị cao trong nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc. Không những vậy, đây còn là ngôi chùa duy nhất có hệ thống địa đạo từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp còn tồn tại đến nay. Tuy nhiên, khi hỏi tới những thông tin về sự hình thành, giới thiệu về di tích chùa Bối Khê hoặc hầm địa đạo thì không phải người dân nào của xã cũng hiểu tường tận, nhất là các bạn trẻ.

"Với mong muốn bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa, lịch sử của quê hương, Ban Chấp hành Ðoàn xã Tam Hưng quyết định thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ quét mã QR cung cấp thông tin về di tích lịch sử cấp quốc gia chùa Bối Khê để du khách tham quan, tìm hiểu", Bí thư Ðoàn xã Nguyễn Thị Quỳnh Thư cho biết.

Các bạn trẻ xây dựng nội dung cụ thể, chi tiết về di tích bằng cách sưu tầm những cuốn sách, tranh ảnh liên quan tới di tích. Ðây là nhiệm vụ không hề đơn giản, nhất là việc sưu tầm hình ảnh, tư liệu, gặp gỡ trao đổi với những người am hiểu về di tích này để lấy thông tin chuẩn xác nhất.

Với niềm đam mê kết hợp am hiểu công nghệ và mong muốn cống hiến cho quê hương, có những nội dung, các bạn trẻ mất nhiều thời gian như việc tìm lại những bức ảnh trắng đen về ngôi chùa, hầm địa đạo trong thời kỳ chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ. Họ đến nhà từng cụ cao niên trong thôn nghe và ghi chép lại, bảo đảm chính xác.

Các bạn trẻ cũng cập nhật các phần mềm, ứng dụng công nghệ mới, học hỏi kinh nghiệm trên các nền tảng xã hội, lựa chọn chắt lọc các mô hình thành công khác để làm phong phú mô hình.

"Giờ đây chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, quét mã QR là người dân, du khách có đầy đủ thông tin về di tích lịch sử cấp quốc gia chùa Bối Khê", chị Quỳnh Thư cho biết.

Mô hình hoàn thành không chỉ góp phần thúc đẩy du lịch địa phương, mà còn giáo dục truyền thống cho thanh, thiếu niên. Ðoàn xã đã phối hợp các nhà trường tổ chức hoạt động trải nghiệm, sinh hoạt truyền thống cho học sinh tại di tích chùa Bối Khê. Tại đây, các em được các anh, chị đoàn viên thanh niên giới thiệu về từng chi tiết trong di tích, nhất là địa đạo từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp.

"Các em học sinh không chỉ hào hứng tham quan, trải nghiệm, mà còn bày tỏ niềm tự hào khi quê hương có di tích đặc biệt như vậy. Chúng tôi tin, từ niềm tự hào đó, các em nhỏ sẽ có ý thức học tập, lao động, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống, góp phần xây dựng quê hương", Quỳnh Thư chia sẻ.

Mô hình ứng dụng công nghệ quét mã QR cung cấp thông tin về di tích lịch sử cấp quốc gia chùa Bối Khê của Ban Chấp hành Ðoàn xã Tam Hưng là một trong những mô hình được biểu dương tại Chương trình giao lưu Các điển hình tiêu biểu học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực phía bắc năm 2024 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức đầu tháng 10 vừa qua.