Khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi bạn trẻ

Xác định chấn hưng văn hóa vừa là khát vọng, vừa là nhiệm vụ chính trị cấp thiết, nhiều tổ chức đoàn thanh niên ở Thủ đô đã có những hành động thiết thực, góp phần truyền tải, lan tỏa văn hóa truyền thống trên không gian mạng.
0:00 / 0:00
0:00
Diễn đàn “Tuổi trẻ Thủ đô với nhiệm vụ chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số” do Thành đoàn Hà Nội tổ chức.
Diễn đàn “Tuổi trẻ Thủ đô với nhiệm vụ chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số” do Thành đoàn Hà Nội tổ chức.

Phó Bí thư Huyện đoàn Thanh Trì Hoàng Minh Hằng cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ mang đến những mặt tích cực và cũng gây nhiều hệ lụy khó lường. Môi trường mạng đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho những phát ngôn thiếu thiện chí, thiếu tính xây dựng, thậm chí phá hoại môi trường văn hóa, ảnh hưởng xấu đến sự hình thành và phát triển nhân cách của giới trẻ.

Trước thực trạng đó, mỗi bạn trẻ có vai trò như một sứ giả văn hóa trong hành trình chấn hưng văn hóa ở kỷ nguyên số hiện nay. Với thông điệp: “Mỗi “sứ giả” hãy lấy cái đẹp dẹp cái xấu, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, Phó Bí thư Huyện đoàn Hoàng Minh Hằng đã cùng tuổi trẻ huyện Thanh Trì tích cực lan tỏa thông tin chính thống trên không gian mạng; phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Các cấp bộ đoàn trong huyện tích cực triển khai cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, lan tỏa những hành động đẹp, gương người tốt, việc tốt trên Facebook, Fanpage. “Huyện đoàn đã tổ chức nhiều cuộc thi thu hút bạn trẻ như: cuộc thi “Tuổi trẻ Thanh Trì chung tay bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng địa phương”, cuộc thi “Rạng ngời nón lá” với 87 bức ảnh đẹp được lựa chọn đăng tải bình chọn trên Fanpage. Có những bài dự thi được hơn 100.000 lượt yêu thích. Mỗi cuộc thi có ý nghĩa lan tỏa, quảng bá, tuyên truyền về tin tốt, việc hay, những nội dung giá trị và ý nghĩa với đoàn viên, thanh thiếu nhi và nhân dân, định hướng giáo dục, khơi dậy trong các bạn trẻ tình yêu quê hương, đất nước”, Phó Bí thư Huyện đoàn Thanh Trì Hoàng Minh Hằng chia sẻ.

Bạn Nguyễn Thị Phương Dung, cán bộ Đoàn Thanh niên Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: “Việc bảo vệ văn hóa tư tưởng trên không gian mạng cần song hành với hoạt động phát huy ý nghĩa, giá trị của phong trào sinh viên 5 tốt.

Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, khi tuyên truyền về phong trào sinh viên 5 tốt, chúng tôi luôn nhấn mạnh: Bạn là một chiến binh, người lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của Bách khoa. Bạn là một sinh viên Thủ đô ngàn năm văn hiến... Vì thế hình ảnh đẹp, văn hóa của bạn góp phần tạo nên danh tiếng của Bách khoa, là uy tín của Hà Nội”.

Đoàn Thanh niên Đại học Bách khoa còn ứng dụng chuyển đổi số vào tuyên truyền phát huy, bảo tồn văn hóa. Nội dung tuyên truyền xây dựng văn hóa học đường được truyền tải thông qua các video clip hóm hỉnh, hình ảnh trực quan, thông điệp ngắn gọn. Các tư liệu tuyên truyền luôn được đổi mới, cập nhật thường xuyên, nên thu hút đông đảo sinh viên quan tâm và tương tác.

Đại học Bách khoa cũng tổ chức nhiều hoạt động trên không gian số với mục tiêu đưa thanh niên, sinh viên chủ động tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và xây dựng các sản phẩm số để tham gia vào diễn đàn như một sân chơi bổ ích.

Chia sẻ về cách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tại địa phương, bạn Đỗ Ngọc Linh, Quận đoàn Tây Hồ cho biết, Quận đoàn đã cho ra mắt công trình thanh niên: “Mã hóa dữ liệu địa chỉ đỏ trên địa bàn” thông qua việc sử dụng công nghệ VR360 để số hóa các địa chỉ đỏ, tạo thành những tour tham quan thực tế ảo, mô phỏng lại toàn thể không gian bên ngoài và trong di tích lịch sử. Đó cũng là một cách làm hay và sáng tạo của ứng dụng công nghệ số cần được nhân rộng trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống.

Năm 2023, tuổi trẻ Tây Hồ đã cho ra mắt công trình “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá du lịch Tây Hồ”. Công trình gồm hai nội dung là: Số hóa các thông tin của 39 di tích lịch sử đã được xếp hạng, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của quận Tây Hồ; thực hiện cấp QR code, tổ chức lắp đặt các điểm quét QR code tại 39 di tích để phục vụ khách du lịch tìm hiểu thông qua các thiết bị thông minh. Mô hình này đã góp phần quảng bá văn hóa, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi bạn trẻ.