Phía trước là sông lớn, biển rộng

Năm 2022, với điện ảnh Việt Nam, có thể xem như cuộc hồi sinh sau hai năm dịch bệnh làm lao đao cả nền công nghiệp nghệ thuật thứ bảy này. Những tín hiệu lạc quan từ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 22, và những ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã mang lại niềm tin điện ảnh Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển, ra sông lớn biển rộng, hòa vào dòng chảy điện ảnh thế giới.

Cảnh trong phim Bình minh đỏ. Ảnh: Trần Chí Thành
Cảnh trong phim Bình minh đỏ. Ảnh: Trần Chí Thành

Những nốt trầm của điện ảnh Việt Nam hiện tại

Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 22 với tiêu chí “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”, đã như một tổng kết về diện mạo điện ảnh Việt Nam hiện tại. 92 tác phẩm dự thi ở bốn hạng mục chính gồm: 17 phim truyện, 37 phim tài liệu, 15 phim khoa học và 23 phim hoạt hình cho thấy nỗ lực vượt khó trong dịch bệnh.

Đặc biệt, 17 phim truyện điện ảnh có thể nói là cuộc cạnh tranh của nhiều thế hệ đạo diễn, của nhiều dòng phim khác nhau: phim nhà nước, phim tư nhân, phim nghệ thuật, phim thương mại và sự cố gắng kết hợp của hai yếu tố này. Đáng chú ý còn là sự tham gia của yếu tố nước ngoài từ các nhà quay phim quốc tế đến kịch bản ngoại quốc. Đã có những tiến bộ, đổi mới trong việc làm giàu có ngôn ngữ điện ảnh, nhưng nếu thẳng thắn và thật nghiêm túc, thì thấy lộ ra nhiều vấn đề tồn tại lâu nay của điện ảnh Việt Nam, rất cần có những thay đổi.

Những phim “ăn” khách thường có kịch bản tốt. Song, rất ít kịch bản thuần Việt hay từ sáng tạo của biên kịch, mà một số được chuyển thể từ tác phẩm văn học Việt Nam nổi tiếng như Mắt biếc, hoặc được chuyển thể, Việt hóa kịch bản nước ngoài như Tiệc trăng máu, tạo thành phim remake. Đáng buồn là có kịch bản được chuyển thể từ tác phẩm văn học kinh điển Việt Nam nhưng đạo diễn lại quá non tay cho nên phim cũng thành phiên bản “lỗi” như Cậu Vàng hay Kiều...

Một số ít phim đạt doanh thu cao do ra rạp đúng thời điểm nên hút khách, nhưng vài cánh én không làm nên mùa xuân, toàn bộ ngành điện ảnh Việt Nam đã có những nốt trầm, phim sản xuất ra phải “cất kho” khá nhiều vì các cụm rạp trên toàn quốc tạm đóng cửa do dịch bệnh suốt gần hai năm qua. Không chỉ thất thu với nhà sản xuất, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ ngành điện ảnh.

“Nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”. Đây chính là tiêu chí-mục tiêu của điện ảnh Việt Nam. Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang được tiếp tục hoàn thiện. GS, TS Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Duyệt phim quốc gia đề xuất: Để có một công chúng điện ảnh lý tưởng, không đơn giản thụ động tiếp nhận các sản phẩm điện ảnh mà phải có khả năng đòi hỏi những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có giá trị nhân văn và dân chủ. Vấn đề giáo dục thẩm mỹ, nâng cao trình độ thẩm mỹ của người xem nên chăng được đặt ra đầy đủ hơn, mạnh mẽ hơn trong Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Đổi mới từ chất đến lượng

Khi điện ảnh đã có bộ luật sửa đổi với những điều chỉnh phù hợp, là lúc bản thân ngành điện ảnh Việt Nam phải tự mình lao vào công cuộc đổi mới, từ chất đến lượng. Muốn trở thành một ngành công nghiệp, điện ảnh Việt Nam cần xác định rõ hai lĩnh vực quan trọng: Sáng tạo-sản xuất phim; Phát hành-phổ biến phim để phát triển thị trường điện ảnh.

Sáng tạo, sản xuất nhiều tác phẩm điện ảnh chất lượng cao để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa trong cộng đồng. Cần phát triển hài hòa các dòng phim: Phim phục vụ nhiệm vụ chính trị do Nhà nước đặt hàng, dòng phim giải trí thương mại từ nguồn xã hội hóa và dòng phim nghệ thuật được tài trợ từ các quỹ điện ảnh.

Thay đổi phương thức đặt hàng hiệu quả hơn mà nhiều nước có ngành công nghiệp điện ảnh phát triển áp dụng với phim được Nhà nước hỗ trợ, như tài trợ cho từng khâu trong một dự án phim: kịch bản, tiền kỳ, hậu kỳ... hoặc tất cả các khâu nhưng theo quy định cụ thể. Với phim của các hãng tư nhân sản xuất, phần lớn là phim giải trí, thương mại, Nhà nước nên có cơ chế ưu đãi, khuyến khích hoặc đầu tư một số hạng mục như kịch bản và dự án làm phim có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Có cơ chế rõ ràng trong ưu đãi thuế, mua sản phẩm, ưu tiên đưa phim Việt đến khán giả...

Với phim nghệ thuật, cần lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh đã được quy định trong Luật Điện ảnh, lấy trọng tâm là lựa chọn, hỗ trợ cho các phim này cùng với các phim thể nghiệm, phim đầu tay của các tác giả trẻ...

Việc tư nhân sở hữu số lượng rạp lớn thống lĩnh thị trường, chèn ép, áp đặt tỷ lệ chia lợi nhuận giữa nhà phát hành và nhà sản xuất khiến phim Việt chịu nhiều rủi ro, thua lỗ, thậm chí phá sản. Để phát triển bền vững thị trường điện ảnh, có ba vấn đề mấu chốt trong khâu phát hành và phổ biến phim cần giải quyết, đó là quy định cấp phép, phân loại phim, tỷ lệ chiếu phim Việt; có cơ chế để bảo hộ phim Việt; và cạnh tranh lành mạnh. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cần quan tâm việc đưa phim Việt ra thị trường quốc tế.

Công nghiệp điện ảnh là xu thế phát triển chung của điện ảnh thế giới, là bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng nhấn mạnh việc phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Việc xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành một ngành công nghiệp “nghệ thuật” vững mạnh chính là cách đưa điện ảnh Việt ra sông lớn, biển rộng, hòa dòng chảy chung điện ảnh thế giới.

Việt Văn