Kịch nói bước tiếp trăm năm

Tròn một thế kỷ kể từ khi vào Việt Nam, kịch nói đã xác lập một vị thế vững chắc trong đời sống sinh hoạt, thưởng thức văn học nghệ thuật của người Việt.

Cảnh trong vở kịch Chén thuốc độc.
Cảnh trong vở kịch Chén thuốc độc.

Đầu thế kỷ 21, công nghệ có những bước tiến vượt bậc, kịch nói trong dòng chảy chung của sân khấu, mặc dù vấp phải nhiều rào cản khó khăn, nhưng vẫn đang mạnh dạn đổi mới để phù hợp xu hướng, thời cuộc, cũng như đòi hỏi ngày càng khắt khe của khán giả.

Những gương mặt của hy vọng

Liên hoan Sân khấu kịch nói 2021 diễn ra tại Hải Phòng thời điểm cuối năm, ngay sau một loạt các hoạt động kỷ niệm 100 năm kịch nói, giống như một điểm nhấn để nhìn lại chiều dài lịch sử đã qua của ngành nghệ thuật này. Dù tình hình dịch bệnh căng thẳng, khó khăn chồng chất, nhưng Liên hoan lần này vẫn có tới 20 vở diễn đến từ 14 đơn vị, rất phong phú về đề tài: từ chiến tranh cách mạng đến hiện thực phê phán, từ cổ trang đến tâm lý xã hội, từ kịch truyền thống đến kịch đương đại... Một số đạo diễn đã thể hiện rõ tư duy hiện đại của mình trong xây dựng vở diễn, nhanh chóng bắt kịp đòi hỏi của đời sống.

Nhìn ngược lại những liên hoan được tổ chức định kỳ gần đây, có cơ sở khẳng định đang có một lực lượng nghệ sĩ kịch nói trẻ trung, giàu tâm huyết, khát vọng làm nghề, bất chấp những khó khăn chung của ngành sân khấu. Những cái tên như Lê Quý Dương, Đỗ Kỷ, Trung Hiếu, Kiều Minh Hiếu, Sĩ Tiến, Bùi Như Lai, Trần Lực, Tạ Tuấn Minh... và những thành tích của họ tạo dựng trong sân khấu những năm qua đủ để công chúng yên tâm về sự kế cận xứng đáng các đạo diễn đàn anh đi trước như Doãn Hoàng Giang, Xuân Huyền, Lê Hùng, Trần Ngọc Giàu, Phạm Thị Thành, Dương Ngọc Đức...

Để bắt kịp với thời đại, các đạo diễn hôm nay đang làm nghề trong một tư duy mới, cả về cách thức truyền đạt và khán giả. Nói như nghệ sĩ Trần Lực: “Chúng tôi buộc phải hiểu khán giả cần gì trước khi dựng vở, bởi vì họ là những khán giả của thời công nghệ, có nhiều phương tiện giải trí. Nếu sân khấu không mang đến đúng cái họ cần thì sân khấu vĩnh viễn mất họ”. Trong tuần lễ kỷ niệm 100 năm kịch nói vừa qua, khán giả có dịp được thưởng thức lại một loạt vở diễn kinh điển, được dàn dựng dưới góc nhìn của các đạo diễn trẻ hôm nay. Đây là minh chứng cho thấy, nghệ thuật kịch nói đang có một lực lượng đủ mạnh để gánh vác quá khứ. Họ đã vượt qua nhiều khó khăn để trụ lại bằng tình yêu nghề, tiếp tục thắp lửa để truyền năng lượng tích cực, bước tiếp vào tương lai.

Không chỉ đạo diễn, đội ngũ diễn viên trẻ tài năng của kịch nói rất đáng để hy vọng. Tại các cuộc thi diễn viên kịch nói tài năng toàn quốc và trong các Liên hoan kịch nói gần đây, nổi lên các gương mặt diễn viên trẻ hoàn toàn có thể tự tin tỏa sáng, tiếp nối những đàn anh, đàn chị đi trước.

Mang quá khứ vào tương lai

Để theo kịp xu thế toàn cầu, nghệ thuật nói chung, trong đó có kịch nói, phải nỗ lực trở nên linh hoạt hơn, đủ sức cạnh tranh trong thị trường, nơi tác phẩm nghệ thuật được xem là hàng hóa và công chúng chỉ bỏ tiền mua vé khi tác phẩm đủ sức hấp dẫn, mời mọc họ. Cuộc đua giành thị phần của sân khấu Việt nhiều năm qua còn đuối sức, thậm chí có nguy cơ “mất trắng khán giả” - như ý kiến của TS Nguyễn Thị Minh Thái. Thiếu kịch bản hay, thiếu kinh phí, thiếu nhân lực và không bắt kịp xu hướng thời đại đang là những trở ngại to lớn mà ngành sân khấu phải vượt qua để có lại công chúng của mình.

Trong quá khứ, kịch nói là thể loại xung kích, luôn thể hiện sự nhanh nhạy, kịp thời phản ánh đời sống xã hội qua từng giai đoạn, thời kỳ khác nhau. Đặc biệt, ở thời kỳ đổi mới, bắt gặp một hiện thực xã hội nhiều biến động, kịch nói đã bắt nhịp vào đời sống và phát triển đến một tầng bậc mới, vô cùng rực rỡ.

Hiện thực cuộc sống hôm nay, với những biến đổi nhanh chóng, phức tạp đang là mảnh đất màu mỡ cho văn học nghệ thuật, nhất là sân khấu, khai thác, khám phá. Đã có một số vở diễn kịch nói gần đây đi thẳng vào các vấn đề nhức nhối của xã hội, như nạn tham nhũng cửa quyền, sự hy sinh của những người lính thời bình, sự tha hóa đạo đức, lối sống, tình trạng thờ ơ, vô cảm của con người, đặc biệt vấn đề dịch bệnh, thảm họa thiên tai... Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, chưa có nhiều vở diễn có sức nặng như mong đợi, đủ sức gây ra những “cơn địa chấn” trong cảm xúc của khán giả. Đâu đó vẫn là sự chạm nhẹ hời hợt, cho thấy kịch nói đang rất cần những ngòi bút mạnh mẽ mổ xẻ hiện thực, góp tiếng nói xây dựng con người mới, xã hội mới tốt đẹp hơn.

Với cái nhìn tổng thể lạc quan, đạo diễn Lê Quý Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Sân khấu thế giới cho rằng, sân khấu Việt thời điểm này cần thiết phải tiến hành một cuộc “cách tân và đổi mới toàn diện” trên tất cả các bình diện. Nghĩa là, để không bị lạc hậu so với thế giới, sân khấu Việt, trong đó có kịch nói, phải “lột xác” từ bên trong, từ kịch bản đến dàn dựng và đào tạo con người.

Để làm được điều này, chắc chắn phải cần đến vai trò của Nhà nước cũng như ngành văn hóa. Hệ thống nhà hát cũng như cơ sở hạ tầng cho sân khấu phải được quy hoạch lại, theo một cách vận hành mới phù hợp. Chế độ ưu đãi với người nghệ sĩ cần được ưu tiên thỏa đáng, làm sao để họ yên tâm làm nghề. Kịch nói đã có sẵn đó một quá khứ trăm năm để tự hào, nhưng con đường bước tới tương lai có rất nhiều thử thách, là trăn trở với bất cứ ai đang còn nặng lòng với sân khấu.

VŨ QUỲNH TRANG