Những mùa xuân của tuổi trẻ sáng tạo

Sức mạnh của tuổi trẻ là điều không thể bàn cãi, văn học nghệ thuật cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Thậm chí có người nói rằng, những tác phẩm lớn nhất của các nhà văn đều được viết ra trước tuổi bốn mươi.

Các cây bút trẻ trao đổi tại tọa đàm Bản hòa âm tháng Chín.Ảnh: Việt Khôi
Các cây bút trẻ trao đổi tại tọa đàm Bản hòa âm tháng Chín.Ảnh: Việt Khôi

Lời phát biểu này không phải là vô căn cứ nếu ta nhìn vào lịch sử phát triển của văn học. Những tác phẩm có tính tiên phong nhất luôn được người ta viết khi còn trẻ. Bởi khi đó, người viết có năng lượng dồi dào, lòng dũng cảm và ham tìm cái mới ở trạng thái cao nhất. Người trẻ rất ít sợ hãi, ưa thích thử thách và sẵn sàng chấp nhận những sai lầm-điều này nghe có vẻ khác thường nhưng đó là sự thực. Họ có thể thất bại, có thể sai lầm nhưng họ dám làm và nuôi một khát khao rất lớn trên con đường sáng tạo.

Những người trẻ hôm nay còn khao khát với văn chương không? Vẫn còn nhiều lắm, tôi nhìn thấy rất nhiều bạn viết trẻ ở quanh mình, trên các diễn đàn về văn học không thiếu những người trẻ. Họ khát khao và có tình yêu mãnh liệt với văn chương, họ vừa bỡ ngỡ, vừa tò mò, vừa say mê thích thú và không thiếu cả những sự dấn thân, quyết liệt trong hành trình viết và sáng tạo.

Hội Nhà văn Việt Nam đã sáng lập Giải thưởng Văn học trẻ dành cho những người viết dưới tuổi 35. Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc được tổ chức thường kỳ 5 năm một lần chứng minh cho sự quan tâm mạnh mẽ của Nhà nước đến thế hệ trẻ. Người viết trẻ có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn học hôm nay và cần phải có sự chuyển giao thế hệ và nối tiếp.

Điều này có cơ sở vì nhìn vào danh sách hội viên hoặc qua các hội nghị chuyên ngành, người ta thấy phần lớn là những mái đầu bạc trắng. Tác phẩm của những người trẻ chiếm số lượng lớn ngoài hiệu sách, trên mặt báo chí, trên các diễn đàn chuyên môn. Tất nhiên, ngoài số lượng đông đảo và nhiều ưu điểm, người ta vẫn nhìn thấy những bấp bênh và những đặc điểm riêng của thế hệ.

Thấy rõ ràng nhất là những người viết trẻ hôm nay là những người có kiến thức tốt và đa dạng. Họ có học vấn cao, giỏi ngoại ngữ, thậm chí có thể đọc các tác phẩm trực tiếp bằng ngôn ngữ nước ngoài. Số ngành nghề họ làm cũng vô cùng đa dạng: giáo viên, nhà báo, hoạt động truyền thông, kinh tế, kỹ thuật, an ninh… bởi văn chương không bó hẹp ở bất cứ ngành nghề nào và hầu như ở lĩnh vực nào cũng nhìn thấy những người trẻ đang viết và sáng tạo.

Nhưng chúng ta cũng thấy rằng phần lớn người viết trẻ hôm nay chỉ coi văn chương là cuộc chơi, chỉ một số ít coi nó là sự nghiệp lâu dài. Người trẻ làm nhiều nghề khác để mưu sinh, họ nhìn văn chương cơ bản là sở thích mà rất hiếm khi định hướng trở thành một nghề chuyên nghiệp. Khi cuộc chơi thuận lợi và được khuyến khích thì họ tiếp tục viết và sáng tạo, bằng không thì quên lãng và không dấn thân nữa.

Ta đã từng nhìn thấy những hiện tượng kiểu này trong một quãng thời gian chưa xa. Rất nhiều cây bút trẻ của các câu lạc bộ sáng tác như “Hương đầu mùa”, “Vòm me xanh” hay “Áo trắng” từng có thời hoạt động văn chương rất sôi nổi, rồi lâu không thấy xuất hiện nữa hoặc chỉ còn vài cây bút tiếp tục viết. Và cũng có thể chính ngày hôm nay, chúng ta nhìn thấy nhiều khuôn mặt người viết trẻ đang khát khao và đam mê nhưng có khi chỉ bẵng đi một thời gian nữa chưa chắc đã còn thấy những người ấy.

Sự đầu tư thiết thực và quan tâm của xã hội cùng các thiết chế liên quan sẽ đóng vai trò quan trọng với lực lượng viết trẻ. Các giải thưởng, các cuộc thi, các hội nghị sẽ thổi những luồng sinh khí mới tới những người yêu văn học. Họ có nhiều cơ hội hơn, nhiều “đất” hơn để đầu tư công sức và trí tuệ của mình. Con đường văn chương không hề dễ dàng và toàn hoa hồng, nhưng trên con đường gập ghềnh ấy thỉnh thoảng ta đã nhìn thấy những bông hoa nhiều hương sắc.

Đã từng có những lo lắng về thế hệ tiếp cận lớp đàn anh đi trước, khi những cái tên như Lê Lựu, Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà dần đi về phía bên kia của cuộc chơi, rất cần những thế hệ trẻ tiếp nối trên con đường sáng tạo. Thì người ta đã nhìn thấy những người trẻ như Đinh Phương, Nhật Phi, Huỳnh Trọng Khang… và nhiều gương mặt khác đang tiếp nối những mạch đầy nhiệt huyết và mới mẻ. Người ta đã ngạc nhiên với những cuốn sách dày dặn, có chiều sâu và những khám phá mới như “Người ngủ thuê”, “Mộ phần tuổi trẻ”, “Nắng Thổ Tang”… của những cây viết còn rất trẻ này.

Ai cũng có quyền khát khao hy vọng và mỗi khi sang mùa mới, năm mới người ta lại chờ đón những sức sống mới, ước mơ mới của những người trẻ tuổi. Với những khát khao và nỗ lực của mình, những người viết trẻ hôm nay có thể làm được điều gì đó không? Tôi tin là họ làm được. Mười, hai mươi năm nữa, khi nhìn lại những khuôn mặt trẻ của ngày hôm nay rất có thể chúng ta sẽ tự hào và mỉm cười về những dự đoán chính xác về một thế hệ người viết đã từng được đặt rất nhiều hy vọng và quan tâm. Họ sẽ bừng sáng trong một mùa xuân của sáng tạo, ước mơ và khát vọng.

Uông Triều