Nâng tầm cho SEA Games

19 năm sau lần đầu đăng cai thành công về mọi mặt, năm 2003, vòng quay SEA Games sẽ trở lại Việt Nam ở kỳ Đại hội lần thứ 31, vào tháng 5/2022.

Điền kinh Việt Nam tự tin hướng đến ngôi đầu tại SEA Games 31. Ảnh : Diệp Diệp
Điền kinh Việt Nam tự tin hướng đến ngôi đầu tại SEA Games 31. Ảnh : Diệp Diệp

Với khẩu hiệu “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”, nước chủ nhà Việt Nam đang quyết tâm và nỗ lực cao độ để chuẩn bị tổ chức một kỳ SEA Games an toàn, chu đáo, công bằng, chất lượng, đồng thời phấn đấu giành vị trí dẫn đầu toàn đoàn một cách sòng phẳng.

“Cú huých” mạnh mẽ

Cùng với các cuộc tranh tài thể thao, SEA Games 31 sẽ góp phần nâng cao vị thế đất nước, quảng bá văn hóa con người Việt Nam, thúc đẩy tình đoàn kết hợp tác giữa các nước trong khu vực, tạo cơ hội phát triển du lịch và dịch vụ. Riêng với thể thao Việt Nam, đây chắc chắn là một cú “huých” mạnh mẽ và toàn diện cho sự phát triển.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, phương án đăng cai SEA Games 31 đã chính thức được quyết định với thời điểm tổ chức từ ngày 12 đến 23/5/2022, diễn ra tại Hà Nội cùng 11 tỉnh, thành phố lân cận. Theo lịch trình cũ, Đại hội tranh tài vào tháng 11/2021, song phải dời lại do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Ngay từ khi nhận quyền đăng cai, ngành thể thao Việt Nam đã thống nhất quan điểm về một kỳ SEA Games nâng tầm về chất lượng, không chỉ ở phần điều kiện, việc tổ chức mà cả chương trình thi đấu-vốn luôn là vấn đề “nóng”. Điều đó đã được cụ thể hóa bằng một chương trình thi đấu 40 môn cùng 526 nội dung, với sự áp đảo của các môn Olympic và không môn Olympic nào bị cắt giảm nội dung.

Theo đánh giá của chính các nước trong khu vực, chương trình thi đấu của SEA Games 31 có chất lượng cao nhất từ trước đến nay, thậm chí còn gần “chuẩn Olympic” hơn nhiều kỳ Asian Games. Như nhìn nhận của chuyên gia Nguyễn Hồng Minh (nguyên: Vụ trưởng Thể thao thành tích cao, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam), hoàn toàn có cơ sở để tin rằng Việt Nam sẽ làm nên một kỳ SEA Games “fairplay” như cam kết của lãnh đạo ngành thể thao với Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á cùng đại diện 10 quốc gia tham dự.

“Cán đích” sớm ít nhất ba tháng

Trên thực tế, ngành thể thao Việt Nam cùng các địa phương đăng cai đã tích cực chuẩn bị cho SEA Games 31 trong suốt hai năm qua. Và khi phương án mới được xác định, Ban Tổ chức thật sự bước vào một “chiến dịch cao điểm” để sẵn sàng cho màn thi tài của hơn 10 nghìn vận động viên trong khu vực.

Dù gặp nhiều khó khăn, song theo ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Thể dục-Thể thao, Phó Trưởng Ban Tổ chức Đại hội, tiến trình chuẩn bị vẫn đang bảo đảm mục tiêu và tiến độ đặt ra. Thể thao Việt Nam đang phát huy tốt kinh nghiệm tổ chức, lễ tân, chuyên môn, qua hàng loạt các sự kiện, giải đấu, kể cả tầm châu lục và thế giới. Riêng mảng quan trọng nhất là cơ sở vật chất hạ tầng, Việt Nam sẽ tận dụng các công trình sẵn có, hầu hết đã cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, đều đang được nâng cấp sửa chữa. Công trình duy nhất phải xây mới phục vụ môn quần vợt-tại Bắc Ninh, với một cụm sân thi đấu và sân tập thuộc diện hiện đại nhất Đông Nam Á theo mô hình xã hội hóa-cũng đã hoàn thành. Còn ở mảng tiếp thị tài trợ, với cách làm mới, Ban Tổ chức đã ký được những hợp đồng đầu tiên, hướng đến mục tiêu thu được 70 tỷ đồng.

Quá trình chuẩn bị sẽ “cán đích” trước Đại hội ít nhất ba tháng, nhằm đưa vào vận hành thử và tập dượt, qua các giải đấu mang tính chất “tiền SEA Games” tại các địa điểm tranh tài chính thức.

Hơn cả, điều được Ban Tổ chức đặc biệt quan tâm chính là việc bảo đảm an toàn cho SEA Games trước những ảnh hưởng, tác động, thậm chí nguy cơ có thể xảy ra từ đại dịch Covid-19 trong điều kiện “bình thường mới”. Ban Tổ chức đã phối hợp với các cơ quan chuyên trách, địa phương xây dựng phương án tổ chức phù hợp tình hình dịch bệnh, trong đó có các “kịch bản” dự phòng đối với trường hợp dịch bệnh phát sinh phức tạp ở một số địa điểm thi đấu.

Cơ hội tạo đột phá

“Nếp cũ” của nhiều kỳ SEA Games, nước chủ nhà có thể dễ dàng tạo nên một ưu thế cực lớn với chương trình thi đấu có nhiều môn, nội dung thuộc thế mạnh, thậm chí “đặc sản” của mình, đồng thời loại nhiều nội dung khó cạnh tranh thành tích. Bởi vậy, khi đưa ra một chương trình thi đấu “chuẩn Olympic” như lần này, Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn nhiều nước chủ nhà các kỳ trước. Song, điều này cũng sẽ tạo nên cơ hội để thể thao Việt Nam nâng tầm, và giúp SEA Games đột phá về chất, như khẳng định của Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam Trần Văn Mạnh.

Có thể coi SEA Games 31 là màn thể hiện trình độ thực thụ của thể thao Đông Nam Á ở các môn Olympic, và cả Asian Games. Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, thể thao Việt Nam với thực lực cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đủ sức tranh chấp ngôi nhất toàn đoàn một cách sòng phẳng, công bằng.

Như dự báo của giới chuyên môn, trong 40 môn với 526 nội dung của kỳ Đại hội này, thể thao Việt Nam có thể đoạt Huy chương vàng ở 30 môn, đứng đầu tối thiểu 15 môn. Tuy nhiên, cuộc tranh tài cũng sẽ rộng mở hơn nhiều, khi các đoàn đều có cơ hội thể hiện những khả năng mũi nhọn của mình.

Đặng Việt Cường

Qua việc đăng cai tổ chức SEA Games 31, Việt Nam khẳng định trách nhiệm cao nhất với đại gia đình ASEAN nói chung, thể thao khu vực nói riêng, cũng như quyết tâm, nỗ lực và hiệu quả của việc phòng, chống dịch Covid-19, đúng như khẩu hiệu “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn” (For a Stronger South East Asia).