Người lang thang thu âm thanh thế gian

Lâm Ngạn là người đi nhiều, “từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái”. Khi bắt đầu đam mê âm thanh, trong túi anh lúc nào cũng có sẵn dụng cụ ghi âm nhỏ, chỉ bé bằng đầu ngón tay.

Thực hiện thu âm thanh tại chợ Tú Lệ (Văn Chấn, Yên Bái).
Thực hiện thu âm thanh tại chợ Tú Lệ (Văn Chấn, Yên Bái).

Và khi đã có ý thức thu thập thì lên đỉnh núi hay xuống dưới hang sâu, đi trên tàu hỏa, đến một vùng quê, hay đơn giản như lúc đứng bên đàn trâu, nghe con nghé gọi trâu mẹ giống như niềm vui của đứa trẻ đón mẹ đi làm về…, âm thanh đều được ghi lại. Đó là một thế giới vô cùng vi diệu.

Có những thứ tưởng như đã quen thuộc, biết rất rõ, đã lắng nghe, sử dụng hằng ngày, rồi đến một lúc chợt nhận ra mình chưa biết gì về nó cả. Đó là khi lần đầu tôi gặp và làm việc với anh Lâm Ngạn, người đang tham gia sản xuất chương trình đọc truyện trên kênh Radio Nhân Dân và nghe anh nói về âm thanh. Anh bảo, âm thanh tựu trung chỉ có ba loại: Âm thanh thoại, âm nhạc và âm thanh hiệu ứng. Hai âm thanh đầu do con người tạo ra, riêng âm thanh hiệu ứng (còn gọi là âm thanh hiện trường hay âm thanh tự nhiên) thì bao gồm tất cả thanh âm của thế gian.

Đó là một thế giới vô cùng phong phú, thú vị, nhất là với người “chơi” âm thanh chuyên nghiệp. Với họ, âm thanh trong chợ Đồng Xuân không giống với chợ Bến Thành, hay chợ ở Đồng Văn. “Tiếng ông thái phở ở phố Bát Đàn sẽ khác với ông bán phở ở Nam Định vì cái thớt, con dao và phong cách làm của mỗi người khác nhau, tạo ra âm thanh và cảm xúc khác nhau”. Khi con thuyền đi trên hồ nước, ngoài tiếng mái chèo, còn có hơi thở của ngư phủ, tiếng cá quẫy, tiếng chim thảng thốt bay vút lên từ đám cỏ lác nào đó. “Ở miền núi, ta sẽ nghe tiếng nói trước rồi mới thấy người sau, không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát (Cô gái mở đường của Xuân Giao); còn ở dưới đồng bằng thì ngược lại. Chỉ có âm thanh thực tế mới đem lại cảm xúc thật nên nó xảy ra ở đâu, thì mình phải thu lại ở đó. Đây là lý do chúng tôi luôn cố gắng đến tận hiện trường, hay mỗi khi đi đến một vùng miền nào thì đều tìm cách thu lại âm thanh”.

Vào đồng bằng sông Cửu Long, ngồi trên xuồng, anh thấy tiếng “tạch, tạch” của chiếc vỏ lãi rất thú vị. Trên chợ nổi, anh thu tiếng một phụ nữ Nam Bộ rao: “Ai ăn bún bò không?”. Thậm chí tiếng cá quẫy trong lồng anh cũng ghi lại vì nó sẽ khác tiếng cá quẫy trên hồ sông Đà. Một lần anh vào Thanh Hóa, đến một làng ven bờ sông Mã, ở đó có một ngôi đền thờ nằm lưng chừng núi. “Leo lên đền, nhìn xuống sông Mã uốn lượn, trên cánh đồng người nông dân đang làm mùa. Tiếng họ nói chuyện với nhau từ xa mơ hồ vọng tới, tôi có cảm giác như đang được ngồi trên thiên cung, tưởng tượng mình là Ngọc Hoàng thượng đế! Âm thanh đem lại những điều kỳ diệu như thế”.

Tôi thán phục: “Chắc hẳn kho âm thanh của các anh hiện nay phải lớn lắm?”. Lâm Ngạn lắc đầu: “Dù tôi có ghi đầy cả một cái ổ cứng dung lượng hàng terabyte (tương đương với 1.000 gigabyte) thì cũng chưa ăn thua gì. Âm thanh của nước ta rất phong phú, nhưng theo tôi biết, hiện chưa có ai đứng ra làm thành một cái kho để người cần có thể xin, mua, thuê, mượn. Một cái kho như thế, không chỉ vài người là làm được đâu!”.

Tôi thắc mắc, với ưu thế của công nghệ hiện nay, sao không thử tạo một mạng lưới cộng tác viên, thu thập âm thanh tất cả các vùng miền trên cả nước?

“Người thu âm cần phải có chuyên môn và năng lực cảm xúc nhất định, vì chỉ chỉnh sai âm lượng một chút là âm thu thanh không sử dụng được. Thí dụ, với người bình thường, khi thu tiếng thác nước chảy thì ở đâu cũng giống nhau, nhưng với người có nghề, trong tiếng thác còn có âm thanh của con người, thời khắc, lúc chuyển giao giữa ngày và đêm, giữa bình minh và hoàng hôn. Nói đơn giản là “ghi lại âm thanh”, nhưng đây có thể coi là một công việc mang tính sáng tạo đấy”.

Lâm Ngạn đã tổ chức một số lớp đào tạo trong mạng lưới của anh. Ngoài những kỹ năng cơ bản, có bài tập “tắt các giác quan”. Bài tập này yêu cầu học viên viết mô tả về âm thanh mình nghe thấy trong những tình huống cụ thể: “Mùa thu đã đến. Buổi sáng trời trong, ánh sáng le lói hắt qua khe cửa sổ cũ khi mắt vẫn còn đang nhắm nghiền. Cái gió nhè nhẹ, lành lạnh của tiết thu thật chẳng dễ khiến người ta có thể dứt khoát ra khỏi chăn”... “Mở cửa sổ, một làn gió mát miên man vờn qua má, qua tóc, nghe gió hát du dương chào ngày mới. Ngồi trong phòng, nghe tiếng xe máy phóng vù vù vội vã của mấy anh shipper sợ muộn giờ, tiếng chó sủa lao xao khi nghe tiếng động, tiếng xe tải chạy ầm ầm từ ngõ trong đi ra”...

Tôi hỏi bỡn anh: “Lớp của anh dạy học viên viết cả tản văn à?”. Lâm Ngạn cười: “Không phải. Chúng tôi dạy cảm xúc. Làm về âm thanh mà không có cảm xúc với âm thanh thì chỉ như cái máy, sẽ không thể nào nghe thấy được âm thanh vi diệu của thế gian. Tôi yêu cầu học viên viết để rèn luyện cảm xúc và tự nâng mình lên”.

Lâm Ngạn chia sẻ, tham gia sản xuất chương trình đọc truyện trên Radio Nhân Dân mang lại cho anh nhiều hào hứng vì nó khác với những chương trình từng có. Bên cạnh những giọng đọc đa dạng, giàu cảm xúc, đài từ tốt thì cuối mỗi truyện có thêm lời nhận xét do các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình trực tiếp thực hiện đã mang lại những cách tiếp cận, cảm thụ mới cho người nghe. Trong khi hầu hết các chương trình đọc truyện chỉ dùng âm nhạc nền (background music) thì trên Radio Nhân Dân lại có âm thanh hiệu ứng (effect music).

Mỗi một truyện ngắn khi phát đều được dựng âm thanh riêng, thí dụ trong truyện Người nhóm lửa vạn chài, thính giả nghe thấy tiếng nước chảy, sóng vỗ. Đến lúc nhân vật chính gọi: Đò ơi, vào đi kẻo bão... thì nghe thấy tiếng sét đánh, gió rít rồi mưa ào ạt đổ xuống. Những hiệu ứng này đã làm tăng đáng kể hiệu quả cảm xúc cho người nghe. “Thời gian tới, chương trình sẽ có thêm nhiều sáng kiến thú vị để phục vụ người nghe!”-Lâm Ngạn vui vẻ khẳng định.

HỮU VIỆT