Thoát nghèo ở vùng cao Văn Chấn

Là huyện có 12 trong số 24 xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 chiếm gần 23%, cho nên huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái luôn chú trọng công tác xóa đói, giảm nghèo. Cùng với lồng ghép các chương trình dự án, huy động mọi nguồn lực phát triển, Văn Chấn đã khơi dậy sức dân, cùng nhau “đuổi” cái nghèo...
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch chè shan tại xã Gia Hội, huyện Văn Chấn.
Thu hoạch chè shan tại xã Gia Hội, huyện Văn Chấn.

Cùng chị Phạm Thị Tuyết, Trưởng phòng Dân tộc huyện Văn Chấn ngược dốc thăm đồi chè shan tuyết trồng mật độ dày tại bản Chiềng Pằng, xã Gia Hội. Diện tích chè shan toàn xã đạt hơn 351ha, năng suất đạt 112 tấn/ha/năm, sản lượng đạt hơn 3.800 tấn/năm, trở thành cây xóa nghèo nơi này.

Bên đồi chè được bốn tuổi đang vào vụ chè xuân, chị Lò Thị Hằng cùng sáu chị đồng bào dân tộc Thái nhanh tay hái những búp chè shan đang độ ra búp xanh non. Chị Hằng cho biết, hiện chè búp tươi giá từ 6.000 đến 8.000 đồng/kg, 1ha chè của gia đình sau khi trừ chi phí còn cho thu nhập gần 80 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, gia đình chị nuôi đàn dê sinh sản trên đồi, và với dê thịt hiện đang có giá 130 nghìn đồng/kg, nên thu nhập của gia đình cũng khá cao. Từ sự chăm chỉ và chọn cây, con nuôi trồng phù hợp với thổ nhưỡng, chị Hằng cùng nhiều hộ dân khác trong xã Gia Hội đã vươn lên thoát nghèo, làm được nhà mới, mua được các vật dụng sinh hoạt đắt tiền phục vụ cuộc sống.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Gia Hội Lò Văn Tấn chia sẻ, với hơn 1.400 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống ở chín bản, ngoài các chương trình lồng ghép để phát triển, xã đã huy động nguồn lực trong dân để xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay xã đã vận động nhân dân hiến hơn 5.000m2 đất nông nghiệp và vườn tạp, góp 10.340 công lao động, hơn 1,1 tỷ đồng để làm hạ tầng nông thôn, góp phần đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Tại xã Cát Thịnh, Bí thư Đảng ủy xã Hà Biên Cương cho biết, do địa hình có các khe suối mát, không bị ô nhiễm, phù hợp sự sinh trưởng của ba ba gai. Ngày trước, ba ba gai được người dân bắt ở suối mang về nuôi thử ở vùng thấp, thấy hiệu quả và phát triển tốt, đến nay đã nhân rộng ra nhiều thôn trong xã. Hiện tại, diện tích nuôi ba ba toàn xã đạt gần 12ha, với hơn 200 hộ nuôi có thu nhập 100 triệu đồng/năm.

Để đồng hành với người dân, Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ mỗi hộ nuôi ba ba vay 50 triệu đồng với thời gian trong 5 năm. Cùng với đó xã đã thành lập hợp tác xã nuôi ba ba ở xã Cát Thịnh, và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm ba ba gai, thương hiệu “Văn Chấn”. Nhờ đó, đời sống của người dân trong xã cải thiện rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, góp phần đổi thay diện mạo nông thôn miền núi.

Trưởng phòng Dân tộc Phạm Thị Tuyết thông tin thêm, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Văn Chấn đã thực hiện giải ngân hơn 30,6 tỷ đồng triển khai xây dựng 10 công trình phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội; đào tạo nghề cho 2.640 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện đạt gần 62%. Người tham gia học nghề chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc đối tượng người có công. Nhiều học viên sau khi học nghề đã mạnh dạn đầu tư vốn mở rộng sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất mới, mang lại việc làm và thu nhập lâu dài, nhất là với nghề xây dựng, may dân dụng, sửa chữa điện dân dụng...

Cùng với đó, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai 15 chương trình vay vốn ưu đãi, tạo điều kiện cho hơn 11 nghìn hộ là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, được vay hơn 580 tỷ đồng vốn chính sách. Từ nguồn vốn chính sách, nông dân miền núi có điều kiện phát triển kinh tế, tăng đàn gia súc, đưa cây cam, cây dâu tằm, cây quế, cây lâm nghiệp vào sản xuất, năm 2022 có 2.095 hộ thoát nghèo.