Người H’Mông thoát nghèo nhờ cây dứa mật

Là một trong những xã ở huyện Ðiện Biên (tỉnh Ðiện Biên) thuộc vùng biên giới Việt Nam-Lào, mấy năm trở lại đây, Mường Nhà được nhiều người biết đến với "vựa" dứa mật nổi tiếng thơm ngọt. Nhờ cây dứa, hàng trăm gia đình người dân tộc H’Mông nơi đây đã thoát nghèo bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã biên giới Mường Nhà thu hoạch dứa.
Người dân xã biên giới Mường Nhà thu hoạch dứa.

Đưa chúng tôi đi thăm các đồi dứa bạt ngàn của bà con dân bản Pu Lau, ông Lò Văn Biển, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường Nhà cho biết: Pu Lau hiện là bản có diện tích dứa lớn nhất xã với hơn 100 ha; sau đó đến Hợp tác xã dứa Mường Nhà có hơn 60 ha; còn lại các bản: Na Khoang, Phì Cao, Huổi Hương, Pha Thinh có gần hai chục ha, vì các bản này mới chuyển dần diện tích trồng lúa nương không hiệu quả sang trồng dứa.

Trưởng bản Pu Lau Vàng A Nếnh nói thêm, ngoài cây lúa thì 112 hộ dân trong bản Pu Lau đều trồng dứa. Nhà ít trồng từ 500-700 m2, hộ trồng nhiều lên tới vài héc-ta. Bắt đầu từ năm 1990 cây dứa mật được người trong bản mang về trồng ở Pu Lau chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình, nhưng sau "tiếng thơm" dứa mật Pu Lau cứ lan dần kéo người từ nhiều nơi về mua quả, xin cây giống. Cứ như thế, mỗi khi vào mùa thu hái, người dân khắp nơi lại đổ về Pu Lau để tự tay chọn mua các quả dứa to tròn, mọng mật. Nhận thấy dứa mật được nhiều người ưa dùng, dân bản Pu Lau đã bảo nhau cách chọn cây để giống, chuyển đổi các diện tích trồng lúa, trồng ngô kém năng suất sang trồng dứa. Do vậy, trong khoảng gần chục năm trở lại đây, Pu Lau đã mở rộng diện tích dứa đến cả trăm héc-ta như bây giờ.

Hiện tại dứa Pu Lau bắt đầu vào vụ thu hoạch, thương lái từ thành phố Ðiện Biên Phủ, huyện Ðiện Biên về tận bản thu mua dứa ngay tại nương cho nên người trồng dứa không phải đi đâu tìm mối bán nữa. Chị Vàng Thị Dế cho biết: "Suốt cả tuần nay, mọi người trong gia đình tôi đều lên nương thu hoạch dứa bán cho thương lái. Nhờ cây dứa, gia đình tôi thoát nghèo mấy năm nay và còn có thêm vốn mở rộng diện tích trồng dứa. Trừ chi phí, mỗi héc-ta dứa hiện lãi gần 50 triệu đồng/năm".

Chị Lường Thị Thanh là tiểu thương từ thành phố Ðiện Biên Phủ về Mường Nhà thu mua dứa đã nhiều năm, bởi thế chị thuộc từng đường lên nương dứa của các gia đình.

Chị Thanh cho biết, dứa mật Mường Nhà có đặc điểm là quả to hơn các loại dứa bình thường, trung bình mỗi quả nặng từ 1,5-2,5 kg; có quả nặng gần 4 kg cho nên người tiêu dùng rất thích. Ðặc biệt nữa là dứa mật Mường Nhà có mắt nông, ngọt, mép lá không có gai, ăn không rát lưỡi, lại giàu dưỡng chất tốt cho người già, trẻ nhỏ. Do có lượng khách quen ổn định ở các tỉnh và thành phố Hà Nội đặt thường xuyên, suốt mùa dứa chị Thanh đều đặt mua vài tạ mỗi ngày.

Ðại diện đơn vị trực tiếp trồng dứa và thu mua dứa ở xã Mường Nhà, ông Vàng A Tỷ, Phó Giám đốc Hợp tác xã dứa Mường Nhà cho biết: Ngoài sản lượng 1.500 tấn dứa mỗi năm, hợp tác xã còn sẵn sàng thu mua, bao tiêu toàn bộ sản lượng cho người dân với giá trung bình từ 5.000 đồng/kg (loại quả nhỏ) và 12.000 đồng/kg (loại quả to). Năm 2023, doanh thu trồng dứa của hợp tác xã và các hộ dân bản Pu Lau đạt hơn năm tỷ đồng.

Với lợi thế nằm ngay bên đường vành đai biên giới kết nối Quốc lộ 279 cho nên việc tiêu thụ dứa của người dân Mường Nhà khá thuận lợi. Cùng với giá ổn định, thị trường ngày càng rộng, cây dứa mật ở Mường Nhà đã thật sự trở thành cây trồng chủ lực cho đường hướng phát triển kinh tế, xây dựng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng cho thế mạnh vùng đất Mường Nhà.

Trong lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP của huyện Ðiện Biên đã xác định, thời gian tới sẽ hỗ trợ người dân thêm nguồn lực mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng xây dựng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để cây dứa mật Mường Nhà thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương, giúp Mường Nhà có thêm nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu vững chắc. Ðây cũng là hướng phát triển kinh tế để Mường Nhà hoàn thành các mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.