Chuyển đổi diện tích ngô kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị cao

Từ đầu năm đến nay, nhiều gia đình tại các huyện vùng cao tỉnh Hà Giang đã chuyển đổi diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi hiệu quả cao hơn. Việc làm này không chỉ giúp người dân thu nhập cao hơn mà còn giúp các địa phương cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững.
Gia đình anh Vừ Mí Trá, thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang) chuyển đổi diện tích ngô sang trồng nho hạ đen.
Gia đình anh Vừ Mí Trá, thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang) chuyển đổi diện tích ngô sang trồng nho hạ đen.

Cây ngô được trồng phổ biến tại Hà Giang và là cây trồng bảo đảm an ninh lương thực cho người dân vùng cao cũng như phục vụ nhu cầu chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng do điều kiện tự nhiên chủ yếu là đồi núi dốc, thiếu nước sản xuất, diện tích nhỏ lẻ cho nên việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất gặp khó khăn, khó hình thành vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa. Điều đó dẫn đến diện tích ngô ở nhiều địa phương có giá trị kinh tế thấp hơn so với các loại cây trồng khác.

Trước thực trạng đó, cuối năm 2023, tỉnh đã ban hành đề án chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn. Mục tiêu, trong hai năm 2024 và 2025 chuyển đổi 1.000 ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi có giá trị cao hơn, thu nhập của người dân tăng hơn 20% sau khi chuyển đổi. Thời gian vừa qua, đã triển khai thực hiện tại các huyện vùng cao: Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần.

Để thực hiện đề án, công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích ngô kém hiệu quả đã được chính quyền các cấp đẩy mạnh với gần 600 buổi tuyên truyền cùng khoảng 6.000 lượt người tham gia. Thông qua tuyên truyền, việc chuyển đổi diện tích ngô kém hiệu quả được người dân đồng thuận. Cùng với đó, các địa phương đã xây dựng nhiều mô hình điểm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng để người dân học tập, nhất là tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn khoa học-kỹ thuật sản xuất.

Đồng thời, tỉnh cũng huy động nhiều nguồn lực nhằm hỗ trợ ban đầu cho các hộ tham gia chuyển đổi diện tích ngô kém hiệu quả, trong đó chủ yếu là nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Từ đầu năm đến nay, tổng kinh phí các huyện đã giải ngân hỗ trợ chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác gần ba tỷ đồng.

Gia đình anh Vừ Mí Trá, thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn là người đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương. Đầu năm nay, gia đình anh đã cải tạo để chuyển đổi 1.000 m2 đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây nho hạ đen. Khi chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng nho, anh Trá được Trung tâm Khuyến nông huyện Đồng Văn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và được hỗ trợ giống cây nho, phân bón.

Hiện nay diện tích nho sau gần 10 tháng phát triển tốt, bắt đầu bói quả. Anh Vừ Mí Trá cho biết: “Trồng ngô hiệu quả kinh tế không cao cho nên quyết định chuyển đổi sang trồng nho. Dù đây là cây trồng mới tại địa phương, nhưng tôi vẫn quyết làm, nếu thành công thì không chỉ gia đình tôi mà người dân trong khu vực sẽ có một loại cây trồng giá trị kinh tế cao vừa phục vụ nhu cầu thị trường trên địa bàn, vừa phục vụ khách du lịch và mang lại thu nhập cho các gia đình”.

Thống kê sơ bộ đến nay, sau hơn 10 tháng triển khai, trên địa bàn sáu huyện vùng cao đã có hàng nghìn hộ dân chuyển đổi diện tích ngô kém hiệu quả với diện tích gần 350 ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi sang trồng cây ngắn ngày gần 240 ha, chủ yếu các loại cây có thị trường tiêu thụ thuận lợi như khoai lang, ớt, củ kiệu, các loại rau đậu, cây hoa tam giác mạch; diện tích chuyển đổi sang cây trồng lâu năm là hơn 100 ha, chủ yếu là các loại cây ăn quả có thế mạnh như lê, hồng, mận, đào.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích đất trồng ngô chuyển đổi sang trồng cây ngắn ngày hằng năm như rau đậu, rau chuyên canh, bắp cải, củ cải, sâm khoai… đã cho thu hoạch, giá trị đạt được (sau khi trừ đi chi phí đầu tư) khoảng từ 15 đến 20 triệu đồng/ha, cao hơn từ 1 đến 1,5 lần so với trồng ngô.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc chuyển đổi diện tích ngô kém hiệu quả còn gặp những khó khăn như đất ngô chủ yếu là đất nương, đồi núi dốc, tầng canh tác mỏng cho nên việc lựa chọn, bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp khó khăn. Nguồn lao động ở nông thôn chủ yếu đi làm công nhân trong và ngoài tỉnh cho nên thiếu nguồn lao động sản xuất nông nghiệp. Trong khi đời sống một bộ phận nông dân còn khó khăn, tư duy sản xuất còn theo kinh nghiệm, thói quen, ngại thay đổi, nhiều hộ còn có tư tưởng, trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước.

Mặc dù vậy, theo ông Vũ Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc chuyển đổi diện tích ngô kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác bước đầu đã thành công. Quan trọng nhất khi triển khai đề án đó là nâng cao nhận thức của người dân vùng cao vốn quen với cây trồng truyền thông sang sản xuất cây trồng hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm; sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng giúp người dân biết áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất, trách nhiệm phát triển nông nghiệp hàng hóa, từ đó giúp đầu ra sản phẩm nông nghiệp bền vững, thu hút được các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp”, ông Hiếu nhấn mạnh.