Được đầu tư về điện, đường, trường học, các đơn vị quân đội làm công tác dân vận, các chương trình hỗ trợ về nhà ở, nước sinh hoạt, công cụ sản xuất cho nên bộ mặt nông thôn miền núi nơi đây có nhiều đổi thay cơ bản.
Những ngày này, chúng tôi về Hồng Ca tìm hiểu về hiệu quả công tác xóa nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nơi này. Là xã đặc biệt khó khăn, chủ yếu là dân tộc Tày, H’Mông sinh sống tại các bản làng dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn cao vút. Anh Lương Kim Vinh, 51 tuổi, dân tộc Tày, trú tại bản Khun là hộ nghèo do thiếu đất sản xuất, năm 2023 được nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng, được dòng họ và các hội viên nông dân chung sức vận chuyển vật liệu, góp công nay đã có nhà ở mới khang trang, cuộc sống ổn định hơn trước. Chị Hà Thị Hằng, Trưởng bản Khun cho biết: Anh Vinh là gia đình nằm trong số tám hộ thoát nghèo năm 2023 của bản, vừa rồi huyện Trấn Yên đã có chính sách hỗ trợ mua một máy làm đất, từ đó đã giúp gia đình anh Vinh sử dụng, nâng cao hiệu quả, tăng năng suất, giúp thoát nghèo bền vững.
Cách trung tâm xã hơn 12 km đường núi là bản Khe Ron, trước đây là nơi gần như biệt lập dưới các chân núi cao, người dân sống tự cung tự cấp. Bí thư Chi bộ Khe Ron, xã Hồng Ca là Vàng A Sò thông tin thêm: Cả bản có 118 hộ dân tộc H’Mông sinh sống, nhờ thu nhập vào rừng quế, cây tre măng bát độ, măng vầu... cho nên không còn thiếu đói như trước nữa. Điện lưới quốc gia về chiếu sáng, sóng viễn thông đã giúp người dân tiếp cận với xã hội bên ngoài rộng lớn.
Qua vận động, toàn bộ các hộ dân đều có nhà vệ sinh, nhà tắm, các trẻ trong độ tuổi được đến lớp học. Các hủ tục lạc hậu như tục để người chết kéo dài nhiều ngày, thách cưới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết đã lùi xa ở nơi này. Bản thân gia đình Bí thư A Sò hiện có hơn ba ha quế, hơn một ha tre măng bát độ, ngoài thời gian đi nương, vợ A Sò mua vải thổ cẩm, ren hoa để gia công may trang phục dân tộc đồng bào H’Mông cho nên đời sống khấm khá.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Ca Hà Cao Luân cho biết: Nhờ vào cuộc quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm, giải quyết kịp thời các điểm nghẽn trong việc xóa nghèo và được người dân đồng thuận cho nên đồng bào dân tộc thiểu số trong xã có chuyển biến rõ rệt, không ỷ lại vào hỗ trợ của nhà nước. Đến nay địa phương đã trồng và khai thác hiệu quả hơn 2.550 ha quế (có 1.400 ha quế hữu cơ); hơn 1.200 ha tre măng bát độ, sản lượng đạt 9.000 tấn, giá bán măng năm 2023 đạt 6.000 đồng/kg, dân thu về 54 tỷ đồng. Nhờ đó, năm 2023 có 63 hộ trong xã thoát nghèo. Từ các nguồn hỗ trợ của trên, đã làm 23 nhà ở mới cho hộ nghèo và hộ người có công, hiện toàn xã còn 85 hộ nghèo, chiếm 5,72% theo tiêu chí nghèo đa chiều.
Từ các chương trình mục tiêu quốc gia đưa về cơ sở, năm 2023 số hộ nghèo ở huyện Trấn Yên giảm 1.875 hộ, số hộ nghèo còn lại sau rà soát 413 hộ, số hộ cận nghèo còn lại sau rà soát là 566 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm so với năm 2023 ước đạt 0,77%. Năm 2023, hỗ trợ làm mới nhà ở cho 71 hộ nghèo khó khăn về nhà ở với kinh phí hỗ trợ 3,325 triệu đồng (kinh phí từ Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số 1,920 triệu đồng, còn lại là vốn ngân sách và xã hội hóa của tỉnh và huyện)...
Qua giám sát thực tế, quỹ đất sạch để thực hiện giao đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao còn thiếu, không tập trung, manh mún, nhỏ lẻ, cách xa nơi ở của người dân, do đó không phù hợp với phong tục tập quán sinh sống. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Vũ Quỳnh Khánh, việc thực hiện chuyển đổi, chuyển nhượng đất đai giữa các hộ rất khó thực hiện; đối với các trường hợp chia tách thửa đất từ việc nhận tặng, cho đất, nhận thừa kế gặp rất nhiều khó khăn do chia tách thửa đất có diện tích nhỏ lẻ (dưới hạn mức giao đất ở mới, đất nông nghiệp được phép tách thửa). Diện tích đất trả ra từ các nông trường, lâm trường về cho địa phương quản lý, chủ yếu có nguồn gốc từ đất rừng tự nhiên, diện tích nhỏ lẻ không tập trung, không thuận lợi cho việc thực hiện các dự án theo quy định.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo, tỉnh đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét nâng mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng từ mức 0,4 triệu đồng/ha/năm theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, lên mức một triệu đồng/ha/năm. Do mức hỗ trợ này được ban hành từ năm 2015, đến nay không còn phù hợp, không khuyến khích được người dân tham gia bảo vệ rừng, nhất là đối với các đối tượng tham gia bảo vệ rừng tại các xã khu vực II, III (chủ yếu hộ nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống phụ thuộc chủ yếu vào rừng).