Là huyện vùng cao thuần nông, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo được Bắc Mê chú trọng thực hiện là cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong quá trình triển khai, huyện đã phát huy nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo các chuỗi giá trị; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất cộng đồng. Qua đó, hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa cho giá trị kinh tế cao và các mô hình kinh tế hộ hiệu quả.
Từ năm 2021 đến nay, huyện đã phê duyệt 13 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị với hơn 730 hộ tham gia, tổng kinh phí thực hiện hơn 28 tỷ đồng. Các dự án này tập trung chính vào những lĩnh vực nông nghiệp đặc thù, có thế mạnh tại địa phương như: Phát triển chăn nuôi bò vàng; nuôi cá đặc hữu thương phẩm; nuôi dê, lợn thương phẩm; trồng cây hồi, quế chiết xuất tinh dầu; trồng dược liệu dưới tán rừng. Các dự án do doanh nghiệp, hợp tác xã chủ trì liên kết với người dân từ sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, do đó đã tạo điều kiện cho người dân có việc làm, thu nhập ổn định.
Ngoài ra, huyện còn thực hiện nhiều dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người dân tư liệu sản xuất. Từ năm 2022 đến nay, huyện thực hiện 54 dự án, kinh phí hơn 41 tỷ đồng. Các dự án tập trung vào hỗ trợ trực tiếp con giống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách để phát triển chăn nuôi, chủ yếu là giống bò, ngựa, dê, lợn đen.
Toàn huyện có gần 1.000 hộ được hưởng lợi từ các dự án với số gia súc được hỗ trợ hơn 3.300 con. Hầu hết các gia đình khi được hỗ trợ con giống được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng cỏ làm thức ăn nên nên đàn gia súc phát triển tốt, đến nay đã sinh sản thêm hàng nghìn con.
Cuối năm 2023, anh Đặng Văn Dền, thôn Yên Cư, thị trấn Yên Phú được hỗ trợ 18 triệu đồng từ dự án nuôi bò sinh sản thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Anh Dền cho biết: “Từ nguồn vốn hỗ trợ, gia đình tôi mua hai con bò sinh sản trưởng thành, đồng thời trồng thêm cỏ để chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng. Do đó, hai con bò giống phát triển tốt, hiện đã sinh thêm một con bê. Cặp bò sinh sản giúp gia đình tôi có thêm động lực để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững”.
Cùng với gia đình anh Dền, 24 hộ dân ở thôn Yên Cư tham gia dự án cũng đã được hỗ trợ tiền để mua 49 con bò sinh sản. Đến nay, đàn bò phát triển tốt, đẻ thêm được gần 20 con bê. Nhờ dự án nên đàn đại gia súc trong thôn tăng lên hơn 210 con.
Từ việc hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo các chuỗi giá trị; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất cộng đồng, Bắc Mê đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Huyện chú trọng triển khai các chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, người lao động được vay vốn tín dụng chính sách. Từ năm 2022 đến nay, đã có hơn 4.000 lượt hộ vay hơn 244 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế; có 1.276 lượt người được vay vốn giải quyết việc làm, tổng số tiền hơn 41 tỷ đồng.
Nguồn vốn đã giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống, nâng cao thu nhập. Huyện chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là đầu tư hạ tầng đến các thôn, bản vùng cao. Nhờ đó, tất cả các xã, thị trấn đều có đường nhựa đến trung tâm xã, có nhà lớp học, trạm y tế khang trang; 90% các tuyến đường liên thôn, liên xóm được rải nhựa, bê-tông, cấp phối; 94% số hộ được sử dụng điện; 90,4% số dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, huyện đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 67% năm 2021 xuống còn hơn 59% năm 2023. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bắc Mê Trần Mạnh Tuyên cho biết, “Huyện sẽ tăng cường tuyên truyền các chính sách về công tác giảm nghèo để người dân tiếp cận tham gia, từng bước thay đổi nhận thức người dân. Đồng thời triển khai hiệu quả nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, lồng ghép với các nguồn lực khác để thực hiện chuỗi liên kết trong sản xuất; mô hình giảm nghèo; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Qua đó tạo động lực để người dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững”.