Cây chủ lực thoát nghèo trên vùng đất ải Chi Lăng

Những năm qua, cây na trên vùng đất ải Chi Lăng, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) trở thành cây chủ lực cho người dân thoát nghèo. Nhiều hộ gia đình ở các xã Chi Lăng, Mai Sao, thị trấn Đồng Mỏ... từ chỗ khó khăn thiếu thốn đủ bề, song nhờ trồng cây na nay đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân thôn Làng Ngũa, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng thu hoạch na.
Người dân thôn Làng Ngũa, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng thu hoạch na.

Mới hơn 7 giờ sáng, mặt trời vừa mới ló lên dãy núi Bảo Đại, bà Hoàng Thị Minh, năm nay 70 tuổi, ở thôn Làng Ngũa, xã Chi Lăng đã lên núi hái na chở về nhà để giao cho khách hàng. Cây na rất dễ trồng, chỉ sau ba năm trồng đã cho quả... Quả na khi hái về đến nhà là có tư thương đến tận nhà thu mua cho nên không cần phải lo đầu ra.

Năm 2024, do thời tiết thuận lợi cùng với việc cắt tỉa, chăm sóc cây phù hợp cho nên sản lượng na của gia đình ước tăng gấp 1,3 lần so với năm 2023, quả to đều, trung bình khoảng ba quả/kg, thậm chí có loại hai quả/kg; giá bán từ 60 nghìn đồng đến 80 nghìn đồng/kg...

Bà Minh chia sẻ, gia đình ít người mới chỉ trồng được hơn 200 cây na. Mỗi cây na hằng năm cho thu hoạch 10 kg quả. Năm nay, gia đình bà dự kiến cho thu nhập hơn 60 triệu đồng từ cây na. Nhiều hộ gia đình ở trong thôn đều trồng cây na, coi cây na như “cây vàng” ở vùng đất này.

Bí thư Đảng ủy xã Chi Lăng, Lăng Văn Thạch cho biết: Xã có hơn 1.390 hộ gia đình, thì hơn 80% số hộ trồng na, với tổng diện tích hơn 450 ha. Năm nay, sản lượng na trên địa bàn xã ước đạt 4.600 tấn, tăng khoảng 100 tấn so với năm 2023.

Các hộ gia đình trồng na đều thu nhập bình quân từ 50 triệu đồng trở lên; đặc biệt có hộ cho thu nhập từ 500 triệu đến 800 triệu đồng. Nhờ phát triển cây na, cuộc sống của người dân ổn định, xã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,89%. Hiện nay, xã Chi Lăng là xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh.

Từ lâu thương hiệu sản phẩm “Na Chi Lăng” được đông đảo người dân biết đến và ưa chuộng. Thương hiệu “Na Chi Lăng” đã vinh dự được Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam vinh danh và trao cúp vàng chứng nhận là thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, thương hiệu nổi tiếng trong tốp 10 “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” trong ba năm 2017, 2018 và 2019.

Năm 2024, tổng diện tích cây na là hơn 2.600 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch ước hơn 2.000 ha, năng suất na thu hoạch đạt 10,6 tấn/ha, sản lượng ước đạt hơn 20.000 tấn. Tình hình tiêu thụ na trên địa bàn huyện tốt, chủ yếu được các tư thương thu mua, giá bán trung bình từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng/kg, đặc biệt na loại 1 giá hơn 100.000 đồng/kg (loại 2-3 quả/kg), giá trị ước tính gần 800 tỷ đồng. Thu nhập từ trồng na bảo đảm đời sống dân sinh cho khoảng 3.500 hộ dân tại các xã, thị trấn trong huyện.

Nhằm tiếp tục duy trì, giữ vững nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm na Chi Lăng và mở rộng thị trường tiêu thụ quả na, hằng năm, UBND huyện Chi Lăng đều tổ chức Hội nghị Phát động sản xuất na và các sản phẩm chủ lực theo hướng nông nghiệp tốt.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng Lương Thành Chung, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn các xã, thị trấn vùng trồng na tổ chức sản xuất na an toàn bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện diện tích sản xuất na được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt là hơn 903 ha (trong đó GlobalGAP được hơn 35 ha; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt hơn 868 ha); xây dựng được 12 mô hình vườn mẫu về sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP. Xây dựng và cấp mã vùng sản xuất cho 40 ha na tại xã Y Tịch và thị trấn Đồng Mỏ. Đến nay, sản phẩm na Chi Lăng đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Để mở rộng kênh tiêu thụ na, hằng năm các đơn vị chức năng của huyện và các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đã tăng cường quảng bá na qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok...

Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng Phùng Văn Nghĩa khẳng định: Để hỗ trợ người dân tiêu thụ na, những năm qua, huyện đã có nhiều hình thức quảng bá thương hiệu na đến đông đảo khách hàng trong cả nước như: Tổ chức các hội chợ thương mại, giới thiệu tổ chức các hội thảo truyền thông về thương hiệu na Chi Lăng...

Ngày 15/8 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tổ chức phiên chợ nông sản giới thiệu na Chi Lăng và các sản phẩm OCOP của tỉnh tại thành phố Hà Nội. Đây là các hoạt động thiết thực nhằm quảng bá, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho đặc sản na Chi Lăng theo hướng phát triển bền vững.