Năm 2024, Hợp tác xã Nhung Lũy (huyện Ba Bể) là một trong những cơ sở được trao chứng nhận “Ngôi sao Hợp tác xã”. Hành trình đến với thành công của hợp tác xã có nhân tố chính là sức trẻ của thanh niên. Ðược thành lập năm 2018, Hợp tác xã Nhung Lũy có 12 thành viên, trong đó hai phần ba số thành viên là hộ nghèo, vẫn còn nhiều hộ lúng túng trong việc phát triển kinh tế. Với tinh thần vượt khó, nữ Giám đốc trẻ tuổi Ðinh Tuyết Nhung đã “chèo lái” hợp tác xã từng bước vươn lên.
Ðến nay, Hợp tác xã Nhung Lũy có 20 thành viên chính thức và liên kết sản xuất với 400 hộ gia đình, trong đó có 164 hộ nghèo và cận nghèo. Cùng với đó, hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất với 450 con lợn, 50.000 con gà, 200 con bò sinh sản/năm; trồng 120 ha bí xanh, đậu, đỗ, hoa quả, dược liệu, 30 ha cây lâm nghiệp và đầu tư cơ sở chế biến sản phẩm. Hiện nay, hợp tác xã có bốn sản phẩm đạt chứng nhận OCOP ba sao, hai sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, ba sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Theo chị Ðinh Tuyết Nhung, bình quân mỗi năm hợp tác xã đạt doanh thu khoảng 20 tỷ đồng; thu nhập của xã viên đạt bảy triệu đồng/tháng. Sản phẩm của hợp tác xã đã lên kệ các siêu thị, công ty, như: Big C, Vincom, Công ty thực phẩm sạch Lương An, Công ty cổ phần Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng… “Chúng tôi xác định liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ đạo là đặc sản truyền thống. Qua thực tế triển khai, việc liên kết sản xuất rất phù hợp với việc phát triển kinh tế ở nông thôn, tạo việc làm cho thanh niên, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập”, chị Nhung nhấn mạnh.
Thành công của Hợp tác xã Nhung Lũy là điển hình cho tinh thần khởi nghiệp của thanh niên Bắc Kạn với sự “tiếp sức” của chính quyền, Tỉnh đoàn, địa phương. Hàng loạt mô hình khởi nghiệp đang từng bước khẳng định tinh thần khởi nghiệp và minh chứng cho mệnh đề “hoàn toàn có thể làm giàu trên chính quê hương”.
Có thể kể ra các điển hình như: Mô hình du lịch sinh thái kết hợp nuôi cá hồi, cá tầm Pù Lầu của Hợp tác xã cá hồi, cá tầm Pù Lầu (Ba Bể); phát triển du lịch hồ Ba Bể của Hợp tác xã Du lịch xanh Ba Bể (Ba Bể); phát triển du lịch cộng đồng của Hợp tác xã Na Na (Ngân Sơn); trồng và chế biến trà hoa vàng của Hợp tác xã nông lâm Nghĩa Tá (Chợ Ðồn); sản xuất rau, củ, quả hữu cơ trong nhà lưới của Hợp tác xã Ðại Hà (Bạch Thông)…
Thời gian vừa qua, chính sách hỗ trợ thanh niên lập thân, khởi nghiệp luôn được Tỉnh ủy Bắc Kạn quan tâm chỉ đạo và quyết liệt cụ thể hóa. Từ năm 2018, Tỉnh đoàn ban hành Ðề án hỗ trợ thanh niên lập thân, khởi nghiệp; Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xây dựng, chọn mô hình “Hỗ trợ hợp tác xã thanh niên tham gia chương trình OCOP giai đoạn 2020-2025” là mô hình điểm thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh.
Tỉnh đoàn Bắc Kạn đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp như: Diễn đàn chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên; tập huấn nâng cao năng lực phát triển du lịch cộng đồng, du lịch bền vững; tập huấn chương trình OCOP; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; tập huấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong quản lý và điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã thanh niên…
Theo đại diện Tỉnh đoàn Bắc Kạn, số ý tưởng khởi nghiệp do tổ chức đoàn thanh niên nắm bắt là hơn 300. Từ chương trình của Trung ương Ðoàn, Tỉnh đoàn Bắc Kạn hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho các dự án khởi nghiệp; với 1.200 thanh niên được hỗ trợ khởi nghiệp; 200 thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ thành lập 75 hợp tác xã do thanh niên làm chủ; hỗ trợ 21 hợp tác xã triển khai và có sản phẩm của thanh niên đạt chuẩn OCOP…
Với sự tiếp sức, khuyến khích, hướng dẫn thì thanh niên Bắc Kạn đã mạnh dạn thay đổi tư duy để sẵn sàng, quyết tâm làm giàu trên chính quê hương. Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Kạn đang duy trì hơn 500 mô hình thanh niên làm kinh tế trong đó có hai liên hiệp hợp tác xã, 80 hợp tác xã, 41 tổ hợp tác, 405 mô hình kinh tế thanh niên...
Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Kạn Triệu Tiến Trình cho biết: Thông qua các hoạt động diễn đàn, phát động các cuộc thi, hỗ trợ vay vốn, xúc tiến thương mại, tập huấn chuyển giao kỹ thuật... đã động viên, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên. Nhận thức của phần lớn thanh niên khởi nghiệp trong tỉnh, nhất là các hợp tác xã thanh niên đã được nâng cao, hoạt động có hiệu quả, tạo được việc làm thường xuyên cho các thành viên và người lao động.
Qua công tác triển khai, khó khăn nhất đối với phong trào thanh niên khởi nghiệp ở Bắc Kạn là việc quy mô các tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên còn hạn chế, dẫn đến việc huy động vốn thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Việc tiếp cận công nghệ và cải tiến, áp dụng công nghệ với thanh niên nông thôn còn yếu; việc triển khai các phong trào, chương trình đồng hành với thanh niên tiếp cận khoa học-công nghệ tiên tiến còn nhiều mặt chưa đồng đều, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, số thanh niên nông thôn được hỗ trợ phát triển kinh tế, khởi nghiệp còn chưa nhiều, tính lan tỏa chưa cao… Ðể khắc phục tình trạng này, Tỉnh đoàn Bắc Kạn tiếp tục hỗ trợ, kết nối, khuyến khích thanh niên khởi nghiệp; đồng thời triển khai tham mưu cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, nhất là tham mưu thành lập Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.