Giúp người dân có cơ hội thoát nghèo

Cũng như nhiều địa phương khác, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, một trong những nguyên nhân làm cho rất nhiều hộ dân chưa thể thoát nghèo là do thiếu đất sản xuất, lười lao động, tàn tật hoặc không có sinh kế ổn định. Từ thực tế này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện Dự án hỗ trợ bò sinh sản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững mang lại hiệu quả thiết thực, tạo cơ hội để người dân thoát nghèo.
Đến nay, Dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản ở hai xã Tân Dương và Tân Định, huyện Định Hóa có hơn 87% số bò cái đã sinh bê con.
Đến nay, Dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản ở hai xã Tân Dương và Tân Định, huyện Định Hóa có hơn 87% số bò cái đã sinh bê con.

Được giao thực hiện Dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở hai xã Tân Dương và Tân Định, huyện Định Hóa, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên triển khai một cách bài bản: Thành lập Ban Quản lý dự án, phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, tập huấn kỹ thuật, khảo sát thực tế hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo về nhân lực, đất trồng cỏ để có biện pháp hỗ trợ phù hợp trong quá trình thực hiện dự án, bảo đảm tạo sinh kế lâu dài cho người dân thoát nghèo bền vững.

Cũng như các gia đình khác tham gia dự án, sau khi được tập huấn kỹ thuật nuôi bò cái sinh sản, chăm sóc; phòng chống, xử lý dịch bệnh; trồng, chế biến thức ăn chăn nuôi và kỹ thuật xây dựng chuồng trại, ông Ma Văn Thiết ở xóm Kèn Dương, xã Tân Dương được mời đến nơi cung cấp giống để lựa chọn con ưng ý nhất và được cấp một con bò sinh sản lai Laisind.

Ông Thiết chia sẻ, được hỗ trợ bò cuối năm 2022, sau hơn một năm chăm sóc bằng phụ phẩm nông nghiệp và cỏ trồng được chế biến, phối giống đúng cách nên bò thụ thai, đẻ con bê đầu tiên, nuôi khoảng 15 tháng là có thể xuất bán khoảng 20 triệu đồng. Hiện ông đang tiếp tục nuôi bò cái để duy trì sinh kế lâu dài.

Thực hiện Dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản trên địa bàn hai xã Tân Dương và Tân Định, cuối năm 2022 và 2023, có tổng số 55 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo được cấp bò giống. Báo cáo tổng kết của Trung tâm Khuyến nông cho thấy, đến tháng 4/2024, có 48 con bò đã đẻ bê tạo sinh kế lâu dài, giúp nhiều hộ thoát nghèo; tạo ra nguồn giống tốt, năng suất cao ở địa phương.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên Hà Trọng Tuấn cho biết: "Những người thực hiện, triển khai dự án phải thật tâm, có trách nhiệm cao nhất, thậm chí còn hỗ trợ hộ nghèo làm chuồng, dọn phân bò; đồng hành với các hộ dân trong suốt quá trình của dự án thì mới thành công. Thực tế chứng minh, nếu chỉ tập huấn, chuyển giao bò và vật tư cho người dân là xong thì mô hình, dự án khó có thể thành công như mong muốn".

Thành công của Dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản tại hai xã Tân Dương và Tân Định, huyện Định Hóa được thể hiện ở việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao; tạo sinh kế lâu dài, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giúp các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ bò sinh sản phù hợp với điều kiện và trình độ sản xuất của người dân, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, không mất nhiều công lao động. Cách làm này từng bước thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi, giúp người dân biết chuyển dần từ nuôi bò theo cách truyền thống với những giống bò địa phương, chăn thả tự nhiên, tự phát, sang chăn nuôi giống bò lai chất lượng cao, có đầu tư và ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế tạo sức lan tỏa, nhằm nhân rộng mô hình ở địa phương.

Theo ông Hà Trọng Tuấn, trong quá trình thực hiện dự án, có vài hộ còn hạn chế trong việc tiếp thu, tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản; chưa chú ý vệ sinh chuồng trại; việc chăm sóc, nuôi dưỡng bò chưa tốt, chủ yếu nhốt bò tại chuồng, không chăn thả dẫn đến chưa bảo đảm đủ dinh dưỡng theo yêu cầu, nhất là chưa phát hiện đúng thời điểm bò động dục để kịp thời phối giống.