Thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động

Những năm gần đây, hoạt động xuất khẩu lao động tại tỉnh miền núi Bắc Kạn có nhiều khởi sắc. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số mạnh dạn vay vốn tín dụng chính sách, học tập để đi lao động có thời hạn ở nước ngoài mang lại thu nhập cao, ổn định.
0:00 / 0:00
0:00
Tư vấn đi xuất khẩu lao động cho người dân tại Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Kạn.
Tư vấn đi xuất khẩu lao động cho người dân tại Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Kạn.

Tà Han là một trong những thôn xa và nghèo nhất của xã vùng cao khó khăn Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn. Đồng bào dân tộc H’Mông nơi đây nhiều đời vất vả, gắn bó với nương rẫy mà đời sống vẫn không khá lên được.

Năm 2014, anh Đào Văn Dinh là hộ đầu tiên mạnh dạn đăng ký đi xuất khẩu lao động với suy nghĩ: “Ở nhà cứ nghèo mãi, khổ mãi cho nên thử một lần đi ra ngoài, biết đâu lại thay đổi cuộc đời”! Và thực tế, quyết định ấy đã không chỉ giúp gia đình anh đổi đời mà còn mở ra lựa chọn mới cho nhiều trai làng khác trong bản.

Sang Algeria, anh Dinh làm trong lĩnh vực xây dựng, với thu nhập khoảng 17 triệu đồng/tháng. Sau hai năm hết hạn hợp đồng, về nước, anh đã gom cho mình được số vốn gần 200 triệu đồng. Số tiền này anh dùng một phần để trả ngân hàng, một phần mua đất ruộng để phát triển sản xuất. Nhận thấy hiệu quả từ việc đi xuất khẩu lao động, đến năm 2018, anh Dinh tiếp tục đăng ký đi Nhật Bản làm nghề nông nghiệp, lần này đi thời gian ngắn hơn nhưng mức lương cao hơn. Sau tám tháng, anh đã tích góp được một khoản tiền để về sửa sang nhà cửa và đầu tư vào chăn nuôi. Con trai anh Dinh là Đào Văn Mạnh (sinh năm 2002) cũng đăng ký đi xuất khẩu lao động với thời gian hai năm tại Đài Loan (Trung Quốc).

Toàn thôn Tà Han đã có 34 người đi xuất khẩu lao động, trong đó chủ yếu là nam giới trong độ tuổi thanh niên. Các thị trường được lựa chọn chủ yếu là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Đông Âu… với mức thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng/lao động trở lên. Riêng năm 2023, toàn thôn đã có gần 20 người đăng ký đi xuất khẩu lao động, nhiều người sau khi hết thời hạn hợp đồng lao động đã về nước lại đăng ký đi tiếp lần hai, lần ba hoặc làm công nhân ở các khu công nghiệp.

Với mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Bắc Kạn xác định xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp thiết thực trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Vì thế, hằng năm, tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước về xuất khẩu lao động. Cùng với đó, tỉnh xây dựng kế hoạch rà soát, thống kê danh sách số người nằm trong độ tuổi lao động, tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu đi xuất khẩu lao động; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đúng pháp luật.

Đồng hành với đồng bào dân tộc, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bắc Kạn cho vay vốn để đi xuất khẩu lao động là một trong những kênh tín dụng chủ chốt của chi nhánh trong thời gian qua. Đơn vị luôn nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đối tượng có nhu cầu được tiếp cận vốn. Từ năm 2014 tới nay, chi nhánh đã cho hơn 2.000 lao động vay vốn để đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.

Theo Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Bắc Kạn Đinh Thị Liễu, xuất khẩu lao động là một hướng đi triển vọng, hiệu quả cho thanh niên. Sau thời gian lao động ở nước ngoài, trở về nước, người lao động có tiền tích lũy để từ đó làm nền tảng phát triển kinh tế bền vững. Thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người lao động song song với giới thiệu doanh nghiệp đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trong sáu tháng đầu năm 2024, thành phố Bắc Kạn đã giới thiệu chín doanh nghiệp tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài đến ủy ban nhân dân các xã, phường, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để thông tin cho người lao động tại địa phương có đủ điều kiện tham gia chương trình được biết và nộp hồ sơ đăng ký. Kết quả, đã có 23 người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc.

Nhiều năm trở lại đây, nhu cầu đi xuất khẩu lao động của người dân tại các địa phương tại Bắc Kạn ngày càng tăng cao, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở một số huyện như Pác Nặm, Ba Bể, Chợ Đồn. Nhiều gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn, xã vùng cao bắt đầu nhận thức rõ xuất khẩu lao động không chỉ là kênh xóa đói, giảm nghèo hiệu quả mà còn giải quyết bài toán về kinh tế trong thời gian ngắn.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, trên địa bàn đã có 68 doanh nghiệp đăng ký tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, có 252 doanh nghiệp đưa lao động của tỉnh Bắc Kạn đi làm việc ở nước ngoài với 1.807 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Riêng chỉ tiêu giao về xuất khẩu lao động hằng năm của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2023, chỉ tiêu giao về xuất khẩu lao động là 700 người, nhưng đã có 1.500 người trúng tuyển, vượt 114% kế hoạch, trong đó người lao động chủ yếu đi xuất khẩu lao động tại các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc...

Thời gian tới, Bắc Kạn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xuất khẩu lao động; trong đó, tỉnh chú trọng thực hiện Tiểu dự án 3 - Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức các hội nghị tuyên truyền và các lớp đào tạo nghề hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài.