Trải qua bao đắng cay tưởng chừng như phải bỏ dở, nhưng với quyết tâm sắt đá và ý chí kiên cường, đến nay, trang trại nông nghiệp hữu cơ của Lê Mạnh Cường là một trong những trang trại tiêu biểu trong cả nước, với doanh thu hơn 40 tỷ đồng mỗi năm. Cường là một trong 63 gương nông dân xuất sắc năm 2024.
Khu trang trại sản xuất nông nghiệp rộng gần 20 ha của anh Lê Mạnh Cường, sinh năm 1983, nằm ở xã Ðồng Trung, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Cường cho biết, anh sinh ra ở xã Tiên Phong, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội trong gia đình thuần nông nghèo khó, từ bé đã chăn trâu, cắt cỏ, cấy cày. Lớn lên, muốn tương lai có nghề nghiệp ổn định, anh vừa tranh thủ giúp gia đình làm nông, vừa nỗ lực tự học, ôn luyện và thi đỗ Trường đại học Giao thông vận tải, theo học chuyên ngành xây dựng cầu đường.
Năm 2006, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Cường trở thành giảng viên Khoa công trình của Trường cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương I. Trong thời gian này, ngoài công việc của một giảng viên, anh Cường làm thêm kỹ thuật cho các công ty xây dựng, ấp ủ ý tưởng kiếm được nhiều tiền để mua đất làm nông nghiệp.
Mặc dù đang có công việc ổn định, nhưng Lê Mạnh Cường đã đưa ra quyết định táo bạo là nghỉ công việc giảng dạy để bắt đầu làm nông nghiệp. Về hành trình khởi nghiệp của mình, Cường cho biết, anh đi rất nhiều nơi để nghiên cứu về các loại cây trồng, vật nuôi, thị trường, tìm mua đất nông nghiệp. Có địa điểm, đất đai màu mỡ, giao thông thuận lợi, anh Cường rất thích, nhưng lúc đó tiền vốn có ít, đành lực bất tòng tâm. Trong một chuyến đi khảo sát ở xã Trung Nghĩa (nay là xã Ðồng Trung, huyện Thanh Thủy), anh Cường được giới thiệu một khu đất đồi sỏi đá, rậm rạp cây mua, cây sim…, hoang vu đến nỗi đi vào xem đất xong không tìm được lối ra.
"Ban đầu, tôi không định chọn mua. Nhưng vì giá đất được chào bán rẻ, lại hợp ý tưởng, kế hoạch tính toán gom mua được cả một vùng đất rộng lớn để đáp ứng mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa, thế là tôi cứ đi lại nhiều lần nghiên cứu. Cuối cùng, tôi quyết định đầu tư, mua gần 20 ha ở xã Ðồng Trung giá 2,3 tỷ đồng vào năm 2015", Cường cho biết thêm.
Sau khi mua được đất, năm 2016, anh Cường huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau được 30 tỷ đồng, dày công cải tạo đất cằn, bạc màu thành một trang trại nông nghiệp tổng hợp. Không chỉ trồng cây ăn quả, làm nhà lưới trồng hoa, trồng rau an toàn, anh còn xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn khép kín với quy mô lên tới 600 lợn nái; cải tạo vùng trũng thành ao nuôi thả cá.
Cơ ngơi hiện nay đã bề thế như vậy, nhưng để có được, anh Cường đã qua những thời điểm vô cùng khó khăn. Ðó là vào năm 2017, giá thịt lợn giảm thê thảm từng giờ, thấp kỷ lục, chưa được 10.000 đồng/kg, muốn bán cũng không có người mua. Ðể cứu vãn tình hình, ở khắp mọi miền cứ có khách hàng muốn mua là bất kể ngày đêm, anh chở lợn đi bán.
Bước sang năm 2018, một lần nữa trang trại lại lao đao vì dịch tả châu Phi bùng phát. Lúc dịch bệnh hoành hành, anh và một số công nhân ăn uống, sinh hoạt tại chỗ, không ra khỏi trang trại. Dù như vậy, nhưng anh chưa phút giây nào nghĩ đến bỏ cuộc.
Nếu bỏ cuộc, sẽ mất tất cả, dù bán hết đất đai, chuồng trại, tài sản vẫn chắc chắn nợ nần, bao mồ hôi, công sức tan thành mây khói. Tuy nhiên, trong rủi lại có may, cuối năm 2019, được chính quyền địa phương, đoàn thể vào cuộc bàn giải pháp hỗ trợ, giải cứu mổ, bán thịt lợn thương phẩm vào các bếp ăn khu công nghiệp trên địa bàn... Ðồng thời, lúc khó khăn nhất về thức ăn chăn nuôi, anh Cường quyết dốc sạch tiền mua một chiếc máy chế biến cám cho lợn, nhờ đó, giảm được áp lực chi phí thức ăn chăn nuôi mỗi ngày.
Từ năm 2020 đến nay, trang trại tổng hợp của anh Cường đi vào hoạt động ổn định. Mỗi năm, trang trại cung cấp ra thị trường hàng chục tấn cá, rau, quả sạch, hơn 16.000 con lợn giống, xuất chuồng hàng nghìn con lợn thương phẩm.
Bên cạnh đó, mỗi năm anh Cường còn nuôi 2.000 con ba ba gai để tận dụng phế phẩm tuần hoàn. Hơn 5 ha đất trồng các loại hoa bốn mùa, cây cảnh, cây lấy gỗ (cây lát, xoan, thông, keo, bạch đàn…) bắt đầu có thể xuất bán làm cây cảnh cho các dự án xây dựng khu đô thị, resort…
Một điểm nhấn ở trang trại tổng hợp của anh Cường hiện nay chính là khu vườn hơn 20.000 cây chà là nhập từ nước ngoài, đang sinh trưởng xanh tốt, vừa tạo không gian bắt mắt, đến mùa thu hoạch quả ăn, vừa tách cây con từ cây mẹ (giâm cành) bán cây giống đem lại nguồn thu nhập cao.
Ðến nay, doanh thu từ trang trại sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học của anh Cường mỗi năm đạt hơn 40 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi hơn năm tỷ đồng; tạo công ăn việc làm cho 20 lao động, thu nhập từ 6-12 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, anh Cường còn tham gia các phong trào thi đua do Hội Nông dân các cấp phát động, tích cực tham gia ủng hộ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ Vì người nghèo, giúp đỡ hội viên và con em hội viên nông dân trên địa bàn xã có hoàn cảnh khó khăn...
Từ thành công trong việc phát triển kinh tế của gia đình, anh Cường thường xuyên chia sẻ, phổ biến kinh nghiệm chăn nuôi cho bà con trong vùng. Mỗi năm, anh Cường lựa chọn 20-25 hộ có hoàn cảnh khó khăn quanh vùng để giúp đỡ bằng cách bán con giống thu tiền trả chậm, hoặc để bà con bán thành phẩm, tái đàn rồi thu tiền giống… Nhờ sự chia sẻ, giúp đỡ của anh Cường, nhiều người dân đã vươn lên phát triển kinh tế và có cuộc sống ngày một tốt hơn.