Muôn cách thoát nghèo

Cơ hội làm giàu từ cây dược liệu

Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn chú trọng đầu tư nguồn lực, khuyến khích, hỗ trợ người dân trồng cây dược liệu. Bước đầu, mô hình “cây làm giàu” mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn kiểm tra việc thu thập giống loài sâm mới phát hiện tại huyện Ba Bể. (Ảnh NGUYỄN HÙNG)
Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn kiểm tra việc thu thập giống loài sâm mới phát hiện tại huyện Ba Bể. (Ảnh NGUYỄN HÙNG)

Hơn một năm qua, anh Mông Văn Giới, ở thôn Nà Săm, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể bắt đầu quen với việc chăm sóc vườn cây cà gai leo. Khu ruộng bậc thang ở Nà Săm trước đây chỉ trồng lúa một vụ, ngô, phụ thuộc hoàn toàn vào mưa.

Nếu có mưa thì được mùa, không mưa thì mất mùa. Giờ đây, những diện tích này được thay bằng cây cà gai leo cho thu hoạch từ ba đến bốn đợt trong một năm. Cây cà gai leo đạt tiêu chuẩn GACP-WHO được trồng hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học, bắt sâu và nhổ cỏ bằng tay…

Theo anh Mông Văn Giới, người dân trong thôn tham gia trồng liên kết cây cà gai leo với Công ty TNHH một thành viên thương mại Đông Nam Việt (DONAVI).

Công ty hỗ trợ kéo đường dây dẫn nước tưới từ trên núi về; hỗ trợ giống cây, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với giá 4.000 đồng/kg tươi… Trung bình mỗi 1.000 m2, người dân có thể thu được từ 7 đến 10 triệu đồng trong một đợt thu hoạch, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, ngô. Điều này khiến người dân phấn khởi vì cây cà gai leo có đầu ra rất ổn định.

Với lợi thế về đất đai, tỉnh Bắc Kạn đã sớm quan tâm phát triển cây dược liệu. Năm 2019, tỉnh triển khai dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ trồng và bao tiêu sản phẩm cây cà gai leo tại tỉnh Bắc Kạn”.

Tháng 1/2024, khi nghiệm thu, tỉnh đánh giá dự án đã xác định vùng trồng, lựa chọn hộ tham gia thực hiện; lấy mẫu đất, mẫu nước đi phân tích đều bảo đảm đủ điều kiện thực hiện xây dựng mô hình trồng 10 ha cà gai leo tại Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Tân Sơn (xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới) và Hợp tác xã Trồng và chế biến dược liệu Bảo Châu (xã Văn Lang, huyện Na Rì).

Tại vùng trồng ở xã Văn Lang, huyện Na Rì, trên diện tích hơn 8 ha đã cho thu hoạch hơn 50 tấn cà gai leo. Tổng sản phẩm sau sấy khô được hơn 125 tấn, đạt 104% so với mục tiêu đề ra. Từ mô hình này, Hợp tác xã Trồng và chế biến dược liệu Bảo Châu đã sản xuất thành công các sản phẩm như: Cao cà gai leo, cao cà gai leo kết hợp một số thảo dược khác.

Theo anh Hoàng Văn Luân, Giám đốc Hợp tác xã, nhờ thụ hưởng sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước, đơn vị đã chế biến sâu, sử dụng, thu mua nguyên liệu chế biến thành các sản phẩm dưới dạng cao cô đặc như: Cao cà gai leo, cao gắm, hà thủ ô, xạ đen… Hợp tác xã liên kết với 20 hộ dân ở các xã Văn Lang, Sơn Thành, Trần Phú, Cư Lễ… trồng hơn 10 ha cây dược liệu.

Năm 2024, tỉnh Bắc Kạn đầu tư hơn 220 tỷ đồng bằng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các nguồn vốn khác để trồng 150 ha dược liệu tại tám xã ở huyện Ba Bể; hình thành 70 ha vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao; phát triển mới 150 ha cho 18 loài dược liệu có giá trị kinh tế cao; hình thành ít nhất 10 hợp tác xã sản xuất và sơ chế dược liệu; liên kết và hỗ trợ ít nhất 1.000 người tham gia vào chuỗi sản xuất dược liệu, trong đó ít nhất 80% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số; giảm được tỷ lệ nghèo bền vững từ 3-5%/năm trong vùng dự án.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, vùng núi đá vôi lớn của tỉnh ở các huyện Ba Bể, Na Rì, Chợ Ðồn còn lưu giữ nhiều nguồn gien cây dược liệu quý hiếm như: Ba kích, hà thủ ô, đẳng sâm, thổ phục linh, kê huyết đằng, bình vôi...

Ðể “đánh thức” tiềm năng cây dược liệu, Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HÐND ngày 27/4/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh, có quy định các mức hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân khi tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh dược liệu. Nhờ đó đến nay, toàn tỉnh trồng được 529 ha dược liệu, đạt 96% mục tiêu kế hoạch phát triển cây dược liệu giai đoạn 2021-2025.

Giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh có 14 dự án được đưa vào danh mục liên kết, sản xuất, chế biến dược liệu. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục vận dụng các chính sách linh hoạt, kêu gọi các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân tham gia trồng, sản xuất, chế biến dược liệu. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 545 ha cây dược liệu, trong đó, 345 ha trồng theo hình thức thâm canh và 200 ha trồng dưới tán rừng, tạo ra 1.600 tấn dược liệu khô.