Cựu thanh niên xung phong thi đua làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo

Với tinh thần "Lúc trẻ xung phong, về già gương mẫu", những năm qua, các cựu thanh niên xung phong huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn) luôn miệt mài lao động, xây dựng các mô hình sản xuất, trở thành tấm gương sáng trong phong trào thi đua phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.
Ông Trần Văn Luần (ngoài cùng bên trái) ở thôn Tân Na, xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) giới thiệu mô hình kinh tế của gia đình.
Ông Trần Văn Luần (ngoài cùng bên trái) ở thôn Tân Na, xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) giới thiệu mô hình kinh tế của gia đình.

Ở thôn Tân Na, xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn), người dân đều khâm phục ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu của cặp vợ chồng cựu thanh niên xung phong Trần Văn Luần và Nguyễn Thị Đương. Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng hằng ngày, ông Luần và bà Đương vẫn cần mẫn chăm sóc vườn rau, vườn cây ăn quả.

Ông Trần Văn Luần chia sẻ: Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Hưng Yên, sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc và sống ở quê một thời gian, năm 2003, ông đã cùng gia đình chọn lên đây để lập nghiệp. Trước kia, chỗ vườn này cỏ mọc um tùm, toàn cỏ dại nhưng với suy nghĩ "có sức người sỏi đá cũng thành cơm", ông đã động viên cả gia đình cải tạo dần mảnh đất khô cằn, nay trở thành một mảnh đất màu mỡ với bạt ngàn cây trái. Mô hình kinh tế trang trại của ông có diện tích hơn 3 ha, trồng nhiều loại cây ăn quả gồm: bưởi Diễn, cam, nhãn lồng, chuối tiêu, cây dược liệu địa liền, các loại rau củ quả... Hằng năm, trang trại của ông cung cấp cho thị trường hơn 17 tấn hoa quả tươi, đem lại thu nhập (trừ chi phí) hơn 400 triệu đồng/năm.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Biên (sinh năm 1948), trú tại thôn Tân Minh, xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng, cũng là cựu thanh niên xung phong cho biết: Sinh ra và lớn lên tại huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội (tỉnh Hà Tây cũ) nhưng năm 1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà lên đường tham gia lực lượng thanh niên xung phong, làm nhiệm vụ sửa chữa, mở rộng các tuyến đường giao thông ở huyện Chi Lăng (Lạng Sơn). Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, năm 1971, bà quyết định chọn mảnh đất Hữu Lũng để lập nghiệp.

Bà Biên nhớ lại, vào những năm 1980, mặc dù chăm chỉ, cần cù lao động nhưng cuộc sống của gia đình gặp rất nhiều khó khăn do chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ.

Không cam chịu nghèo đói, bà luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế gia đình. Năm 2011, nhận thấy cây bưởi Diễn có giá trị kinh tế cao, phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, bà đã dùng số tiền tích góp được để đầu tư trồng 100 cây.

Thấy mô hình trồng bưởi Diễn đem lại hiệu quả kinh tế, từ năm 2015, bà tiếp tục mở rộng diện tích trồng. Đến nay, gia đình bà đã có hơn 140 gốc bưởi Diễn cho thu hoạch, bình quân mỗi năm thu khoảng 25.000 quả, với giá khoảng 10.000 đồng/quả, mang lại thu nhập hơn 240 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí.

Cùng với cây bưởi Diễn, gia đình bà còn trồng thêm nhãn, xoài, mít, táo... với diện tích hơn 3,2 ha, mỗi năm cung cấp ra thị trường 15 tấn hoa quả tươi theo tiêu chuẩn Viet GAP. Mô hình trồng trọt, chăn nuôi của bà Nguyễn Thị Biên đã tạo việc làm cho 12 lao động trong thôn với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng.

Chủ tịch UBND xã Nhật Tiến Nguyễn Trung Nhẫn cho biết: Cựu thanh niên xung phong Trần Văn Luần và Nguyễn Thị Biên là những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế của xã. Không chỉ làm kinh tế giỏi, dù tuổi đã cao, các cựu thanh niên xung phong trong xã còn tích cực tham gia các hoạt động do thôn, xã phát động. Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, ông Trần Văn Luần và bà Nguyễn Thị Biên còn hiến gần 100 m2 đất trị giá gần 1 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn.

Từ năm 2017 đến nay, ông Trần Văn Luần và bà Nguyễn Thị Biên đã vinh dự nhiều lần nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và Giấy khen của Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh và huyện, vì có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương...

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã xây dựng được 65 mô hình cựu thanh niên xung phong làm kinh tế trang trại, tạo việc làm cho hơn 1.300 người lao động là con em cựu thanh niên xung phong, gia đình chính sách, có mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng.

Có cuộc sống ổn định, các cựu thanh niên xung phong trong huyện đã cùng nhau chung tay xây dựng Quỹ "Nghĩa tình đồng đội", để tạo nguồn lực giúp đỡ những hộ cựu thanh niên xung phong khác còn gặp khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.