Người có uy tín ở Điện Biên góp sức xóa đói, giảm nghèo

Những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Ðiện Biên đã chú trọng cập nhật nội dung các chương trình, dự án giảm nghèo để từ đó chủ động tuyên truyền, vận động người dân tại thôn, bản thực hiện.
Ông Lầu Chồng Lử, dân tộc H’Mông là người có uy tín ở xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng đã giúp nhiều gia đình trong xã, trong huyện kỹ thuật trồng, chăm sóc cà-phê để vươn lên thoát nghèo.
Ông Lầu Chồng Lử, dân tộc H’Mông là người có uy tín ở xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng đã giúp nhiều gia đình trong xã, trong huyện kỹ thuật trồng, chăm sóc cà-phê để vươn lên thoát nghèo.

Không những thế, nhiều người có uy tín còn chủ động thực hiện các mô hình phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp hiệu quả, trở thành mô hình điểm ở cơ sở để bà con nhân dân trên địa bàn học tập, làm theo...

Được suy tôn là người có uy tín tiêu biểu của tỉnh Ðiện Biên, với bà con người dân tộc Si La ở bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, ông Hù Chà Thái còn là tấm gương tiêu biểu trong hành trình chuyển đổi phương thức sản xuất bằng sự chủ động thực hiện các mô hình phát triển kinh tế để vươn lên.

Trước đây, bởi sống tách biệt, tập quán canh tác lạc hậu chủ yếu phụ thuộc thiên nhiên cho nên cuộc sống của người Si La ở bản Nậm Sin cứ quẩn quanh trong chuỗi ngày "bụng no ba tháng, đói gấp ba lần". Không những thế, cái đói của người Si La ở Nậm Sin còn cõng theo tệ nạn, tội phạm ma túy và trộm cắp.

Chứng kiến những cảnh ấy, ông Hù Chà Thái luôn canh cánh nỗi ưu tư. Ðã nhiều lần ông Hù Chà Thái đặt câu hỏi tự vấn: "Vì sao người Si La lại nghèo như thế?", "Làm gì giúp người Si La từ bỏ ma túy để thoát nghèo...?" và rất nhiều những câu hỏi khác nữa. Ðể rồi sau nhiều đêm suy nghĩ và nhất là sau chuyến đi tham quan học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở huyện Ðiện Biên trở về, năm 2017, ông Thái đã quyết định vay vốn ngân hàng để mua thêm trâu, bò về nuôi. Cùng với đó, ông còn động viên vợ, con hằng ngày ra các khoảnh đất ven suối dọn cỏ, đắp bờ làm ruộng nước.

Làm theo cách ấy, hơn một năm sau gia đình ông Thái đã thu về thành quả đầu tiên là đón thêm hai con nghé, một con bê; thóc ruộng thu về hơn một tấn. "Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu hơn 150 triệu đồng từ chăn nuôi và trồng trọt. Dẫu không nhiều so với nông dân nơi khác, nhưng với người Si La ở Nậm Sin thì nguồn thu của gia đình tôi cũng là thành quả rất đỗi tự hào.

Ðiều quan trọng là từ khi thành công với mô hình chăn nuôi, trồng cấy của gia đình thì tôi có thêm kinh nghiệm hướng dẫn bà con dân bản làm theo. Ðến nay, bản có thêm nhiều gia đình thoát nghèo cũng đều nhờ chăn nuôi, trồng trọt. Thanh niên trong bản đã biết làm việc chứ không lêu lổng, chơi bời như trước nữa!", ông Thái vui vẻ cho biết.

Cũng là người có uy tín tiêu biểu, điển hình làm kinh tế như ông Hù Chà Thái, song ông Tao Văn Vin, người dân tộc Thái ở bản Cấu, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ đã mạnh dạn hơn khi quyết định thành lập hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên ở vùng biên giới nơi cực tây Tổ quốc.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Tao Văn Vin, cho biết: "Ban đầu khi thực hiện mô hình vườn, ao, chuồng (năm 2018), tôi chủ động trồng thêm cây sa nhân, nuôi ong lấy mật và đã thu được lợi ích kép. Ngoài nguồn thu vườn, ao, chuồng, mỗi năm gia đình tôi thu nhập thêm gần một trăm triệu đồng từ bán quả sa nhân và mật ong. Nhận thấy hiệu quả của mô hình, tôi đã vận động các gia đình trong bản, trong xã tham gia thành lập hợp tác xã nuôi ong mật với tên gọi Hợp tác xã ong sạch Chà Nưa, nhằm kết nối người dân cùng làm nghề, mở rộng quy mô nghề ong, nâng cao giá trị sản phẩm. Ðến nay, hợp tác xã của chúng tôi có 45 thành viên; sản phẩm mật ong của hợp tác xã đã được công nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao, được người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước ưa chuộng".

Ðánh giá cao sự chủ động, đóng góp của những người có uy tín tiêu biểu, ông Vũ Văn Công, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Ðiện Biên, cho biết: Trong số 1.251 người có uy tín tiêu biểu ở tỉnh Ðiện Biên, nhiều người là đồng bào dân tộc thiểu số rất tích cực thực hiện các mô hình phát triển kinh tế gia đình; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số ở thôn, bản, khu dân cư phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Nhờ có sự đóng góp tích cực của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, việc triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội; các chương trình, chính sách giảm nghèo tại tỉnh Ðiện Biên đều nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân, từ đó đạt nhiều kết quả tích cực.

Trung bình hằng năm, tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số của Ðiện Biên đều đạt 6,02%. Mạng lưới giao thông tại Ðiện Biên không ngừng được cải thiện, đường ô-tô đến trung tâm các xã tiếp tục được cứng hóa; 100% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế; 91,5% số xã, phường, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% xã, phường có điện lưới quốc gia; 129/129 xã, phường, thị trấn được phủ sóng thông tin di động 3G và 4G; toàn tỉnh có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ðời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, biên giới tỉnh Ðiện Biên ngày càng được nâng lên toàn diện.