Hỗ trợ vốn tín dụng chính sách đòn bẩy cho người nghèo ở Tuyên Quang phát triển kinh tế

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân, trọng tâm là ở các huyện nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn, khu vực nông thôn, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025. Qua 3 năm triển khai thực hiện, đời sống của người dân ở những vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi thay.
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình bà Nông Thị Hằng, thôn Phục Hưng, xã Lương Thiện được vay 100 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Dương để trồng keo.
Gia đình bà Nông Thị Hằng, thôn Phục Hưng, xã Lương Thiện được vay 100 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Dương để trồng keo.

Theo nghị quyết, hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay vốn mua trâu, bò nuôi sinh sản; mỗi cá nhân được hỗ trợ lãi suất 1 lần vay. Mức cho vay có hỗ trợ lãi suất tối đa 35 triệu đồng/con trâu cái sinh sản; 25 triệu đồng/con bò cái sinh sản.

Tổng mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa 100 triệu đồng/cá nhân; thời gian hỗ trợ lãi suất theo thời gian vay vốn nhưng tối đa không quá 36 tháng.

Hỗ trợ vốn tín dụng chính sách đòn bẩy cho người nghèo ở Tuyên Quang phát triển kinh tế ảnh 1

Đàn trâu nuôi sinh sản được vay vốn theo nghị quyết 03 của ông Hà Hữu Mao, thôn Ngõa, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa.

Ông Hà Hữu Mao, thôn Ngõa, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, từng là hộ nghèo nhiều năm. Thông qua Hội Nông dân xã, ông được tuyên truyền về chính sách cho hộ nghèo vay vốn để phát triển kinh tế.

Đầu năm 2022, ông Mao được vay 100 triệu đồng để mua 3 con trâu sinh sản. Có vốn, ông vận động người thân trong gia đình xây dựng chuồng trại, tận dụng diện tích đất đồi tập trung trồng cỏ voi để bảo đảm cung cấp nguồn thức ăn hằng ngày, đồng thời bổ sung thêm nguồn thức ăn tinh bột để bổ trợ cho đàn trâu.

Do được chăm sóc tốt, trâu mẹ đã sinh sản được thêm 3 nghé con, nâng tổng đàn lên 6 con. Nhờ chăm chỉ phát triển kinh tế nên gia đình ông Mao đã thoát nghèo vào cuối năm 2023.

Đồng chí Vũ Thị Thu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa cho biết, Nghị quyết số 03 của Hội đồng nhân dân tỉnh đã thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, sản phẩm OCOP; nhiều hộ dân đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi này để phát triển các mô hình kinh tế gia đình, trang trại có hiệu quả. Từ đó, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Bà Ngô Ngọc Oanh, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chiêm Hóa cho biết, được tiếp cận với những nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chiêm Hóa nên nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách đã có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất nâng cao thu nhập vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng tại địa phương.

Đến nay, toàn huyện có hơn 17.500 hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách được vay vốn với tổng dư nợ hơn 708 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn theo Nghị quyết số 03 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang là 12,46 tỷ đồng/144 hộ vay để đầu tư phát triển chăn nuôi trâu sinh sản, đến nay đã có 35 hộ thoát nghèo.

Nguồn vốn tín dụng chính sách theo Nghị quyết 03 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang được triển khai đến 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; các đối tượng sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích. Từ đó đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời.

Thời gian tới, nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, huyện phối hợp các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác, các tổ vay vốn các xã, thị trấn thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện bảo đảm vốn vay phải được sử dụng đúng đối tượng được thụ hưởng; từ đó giúp các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập vươn lên thoát nghèo bền vững.

Huyện Sơn Dương, hiện có hơn 17.100 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được hỗ trợ vay vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Đây là địa phương có số dư nợ tín dụng chính sách lớn nhất tỉnh Tuyên Quang.

Bà Nguyễn Thị Dung ở thôn Liên Thành, xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương, được vay vốn 100 triệu đồng theo Nghị quyết 03 để nuôi trâu sinh sản. Bà Dung cho biết, khi bình xét đủ điều kiện vay vốn, gia đình đã nhanh chóng tiếp cận vốn để đầu tư cải tạo chuồng trại, chăn nuôi trâu sinh sản.

Tương tự như gia đình bà Dung, gia đình ông Lưu Trọng Quân ở thôn Ba Quanh, xã Tân Thanh, huyện Sơn Dương, cũng được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Năm 2022, hộ ông Quân được vay 100 triệu đồng nuôi 3 con trâu sinh sản. Sau hơn 2 năm, nhờ chăm sóc tốt, đàn gia súc phát triển lên thành 5 con. Ông Quân chia sẻ, đúng là vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp gia đình có nguồn lực để phát triển kinh tế.

Hỗ trợ vốn tín dụng chính sách đòn bẩy cho người nghèo ở Tuyên Quang phát triển kinh tế ảnh 2

Người dân xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên được tiếp cận vốn tín dụng chính sách theo Nghị quyết 03 của Hội đồng nhân dân tỉnh để trồng chanh tứ mùa.

Đồng chí Phùng Ngọc Vinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Thanh, huyện Sơn Dương cho biết, xã hiện có 371 hộ nghèo. Nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giúp cho nhiều hộ gia đình được vay vốn với tổng dư nợ trên 40 tỷ đồng, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo; từ vốn vay ưu đãi đã giúp họ tự tin để mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi. Từ hiệu quả này khẳng định vốn chính sách cho vay theo Nghị quyết 03 của Hội đồng nhân dân tỉnh đã phát huy hiệu quả tại thực tiễn cuộc sống.

Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Dương Trần Thanh Hương cho biết, để tạo điều kiện tốt nhất, nhanh nhất cho người dân tiếp cận vốn chính sách nói chung và vốn vay theo Nghị quyết 03 của Hội đồng nhân dân tỉnh nói riêng, phòng giao dịch đã phối hợp ủy ban nhân dân các xã, thị trấn rà soát, trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt danh sách các trường hợp được thụ hưởng chính sách để giải ngân vốn đúng lộ trình. Hướng dẫn các hộ hoàn thiện hồ sơ, thẩm định chặt chẽ, bảo đảm cho vay đúng đối tượng.

Đến nay, doanh số cho vay tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Dương đạt hơn 158 tỷ đồng với 3.298 lượt khách hàng vay vốn; mức vay bình quân 50 triệu đồng/hộ. Qua đó, nâng tổng dư nợ toàn huyện lên 856,9 tỷ đồng, tăng 25 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Riêng nguồn vốn vay theo Nghị quyết 03 của Hội đồng nhân dân tỉnh đạt hơn 18 tỷ đồng.

Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tuyên Quang, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã cho vay theo Nghị quyết 03 của Hội đồng nhân dân tỉnh được 81 tỷ đồng, giúp hàng nghìn hộ dân phát triển sản xuất. Qua thực tiễn cho thấy, vốn chính sách cho vay theo Nghị quyết 03 của Hội đồng nhân dân tỉnh đã và đang phát huy tốt hiệu quả, giúp người dân vùng khó khăn phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.