Mùa cá ra sông giúp nhiều người có thu nhập ổn định
Mùa cá ra sông giúp nhiều người có thu nhập ổn định

Nỗi niềm mùa nước nổi ở An Giang

Năm nay, đồng bằng sông Cửu Long có mùa nước nổi khá đẹp, dâng cao vào đồng nên người dân được mùa cá, tôm. Tuy nhiên, trong niềm vui là nỗi lo khi con nước bất thường...

Tháng 11, nước nổi còn gọi nước lũ đang rút dần ra sông mang theo nhiều tôm cá. Ngư dân tỉnh An Giang sống ở các vùng đầu nguồn như huyện An Phú, thị xã Tân Châu, thành phố Châu Đốc tập trung đánh bắt cá tôm...

Mùa đánh bắt cá

Đây thời điểm sôi động nhất trong mùa nước nổi, ngư dân gọi là mùa cá ra sông. Nhiều nhất vẫn là cá linh. Từ đồng, cá bơi len lỏi ra sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, sông Cái Vừng, sông Châu Đốc để ngược về thượng nguồn sông Mê Công.

Tỉnh An Giang nằm ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu nên hằng năm, cứ tháng 7 nước từ thượng nguồn sông Mê Công tràn về ngập các cánh đồng mang theo phù sa, tôm cá. Đến tháng 11, nước rút dần ra sông. Ngư dân dùng các ngư cụ bắt cá, người thì đứng ven bờ chài, người đặt dớn, người thả lưới, người thì câu cá.

Tại phường Long Thạnh, thị xã Tân Châu, người dân và du khách đã quen với cảnh các thuyền máy xúc cá bằng lưới vợt trên sông Tiền gọi là “kéo dồn". Đây là cách đánh bắt cá linh khá lạ ở vùng sông nước, chỉ xuất hiện ở Tân Châu.

Nỗi niềm mùa nước nổi ở An Giang ảnh 1

Kéo dồn bắt cá linh trên sông Tiền ở thị xã Tân Châu.

Những thuyền máy kéo dồn chạy ngược xuôi ven bờ sông trong mùa cá ra đã trở nên quen thuộc với cư dân phố thị vùng sông nước. Nhiều người có thời gian rảnh rỗi hay ra bờ kè ngắm cảnh kéo cá.

Anh Cùm Văn Xuyên, chủ một thuyền máy kéo dồn, kể, hơn 20 năm qua anh sống bằng nghề này. Mùa kéo dồn cá linh từ tháng 10 cho đến tháng 11 thì ngưng, cá linh dính dồn là cá đã lớn thích hợp cho ủ nước mắm.

Theo anh Xuyên, kéo dồn dựa vào sức máy móc nên không mệt nhọc nhiều nhưng quan trọng phải biết thả lưới ở độ sâu thế nào mới trúng luồng cá đi.

Anh Xuyên phân tích, mành lưới có bề xuống 15m nhưng thông thường thả xuống ở độ sâu 10m, còn cạn hơn hoặc sâu hơn thì cũng dính cá nhưng rất ít, có khi không có con nào.

Nỗi niềm mùa nước nổi ở An Giang ảnh 3

Một ngày kéo dồn bắt hàng trăm ký cá linh.

Chúng tôi lên thuyền máy xem anh Xuyên đánh cá. Trên thuyền có 4 người. Anh Xuyên là “máy trưởng”, anh cầm lái chạy thuyền, nhìn luồng nước để phán đoán độ sâu mà cho thả lưới. 3 người còn lại có nhiệm vụ thả lưới, kéo lưới và xúc cá dính lưới.

Thời gian thả và kéo lưới khoảng 15 phút. Ở lần thả đầu, khi từ từ kéo lưới lên, bên trong lưới cá nhảy lao xao. Nhìn bầy cá, mắt anh Xuyên sáng rỡ, vui vẻ nói: “Lưới này cá nhiều, khoảng 9kg. Vậy là khá lắm vì thường mỗi lưới kéo dính 3,4kg cá”.

Nhìn cá nhảy trong lưới mà họ biết dính nhiều hay ít. Cá nhiều nên ai cũng vui. Anh Nguyễn Văn Thắng cầm cây vợt to xúc cá. Cá bắt được, có hơn 90% là cá linh, còn lại là cá heo, cá rô biển, cá thiểu…Anh Thắng nhanh chóng trút cá vào thùng to chứa 10kg cá.

Nỗi niềm mùa nước nổi ở An Giang ảnh 4

Một thùng này có thể chứa 10 kg cá linh.

Được 5 thùng cá, nhóm anh Thắng tấp vào bờ, giao thùng cá cho bạn hàng, lái cá rồi lại tiếp tục theo con nước đánh bắt cá linh. Một ngày như vậy nhóm anh Thắng đánh bắt hơn 8 giờ.

Anh Thắng nói, anh đi làm ăn công, trả công theo ngày tùy theo cá nhiều hay ít, lúc cá ít được trả công 300.000 đồng/ngày, còn lúc cá nhiều từ 500.000 đồng/ngày trở lên.

Hôm nào lưới còn ướt thì có tiền, nghề kéo dồn khác với kéo lưới, giăng lưới thông thường bởi chỉ làm được 2 tháng lúc cá lớn ra sông. Một mùa kéo cá có dư vài chục triệu đồng, xài tiết kiệm, dành mua sắm Tết và mấy tháng sau, bởi xong mùa cá thì cuốn lưới, kiếm việc khác làm.

Anh Nguyễn Văn Thắng

Còn anh Xuyên ước lượng, một ngày bắt được hơn 200kg cá trở lên, tùy theo con nước cá ra sông nhiều hay ít. Cá tươi đưa lên giao bạn hàng, anh Xuyên còn ship cá linh cho các cơ sở làm mắm cá, nước mắm cá linh...

Vui, buồn con nước nổi

Cá ra sông nhiều nên dọc theo các bờ kênh, rạch nhiều người dân đứng ven bờ chài bắt cá. Anh Nguyễn Văn Vệ, ngụ phường Vĩnh Nguơn, thành phố Châu Đốc chài cá trên kênh Vĩnh Tế, nói, buổi sáng nào cũng mang chài ra bờ kênh kiếm mớ cá.

Nỗi niềm mùa nước nổi ở An Giang ảnh 5

Nhiều người dân thành phố Châu Đốc tập trung chài cá ở kênh Vĩnh Tế.

Anh Vệ chỉ chài cá trong buổi sáng, cá bắt được là cá lăn, cá lóc, cá heo nước ngọt, cá linh… Số cá này gia đình anh Vệ chế biến các món kho, chiên, nấu canh, số dư còn lại đem ra chợ cá bán hoặc làm khô ăn dần.

Mùa cá ra đã giúp hàng trăm người không chuyên về nghề cá ở Châu Đốc như anh Vệ không phải tốn tiền mua cá mắm cho bữa ăn. Có cá nhiều nên bữa cơm hằng ngày cũng ngon hơn.

Đi dọc theo kênh Vĩnh Tế, cảnh đánh bắt và mua bán cá sôi động. Ngư dân Trần Văn Hải, ngụ xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, nói, lúc này anh và 4 người trong gia đình cùng đi đặt dớn, một đêm có thể dính vài trăm ký cá và nhiều nhất vẫn là cá linh. Trừ các chi phí, một đêm có thể kiếm được hơn 2 triệu đồng.

Nỗi niềm mùa nước nổi ở An Giang ảnh 6

Cá linh mùa này đã lớn dùng để chế biến nước mắm hay nấu canh chua rất ngon.

Cá bắt được, nhóm anh Hải lựa ra cá lớn có giá cao đưa ra chợ cá bán, còn lại cá linh và các loại cá nhỏ khác cân bán sa cạ cho lái, giá vài nghìn đồng đến 11 nghìn đồng/ký. Tháng này các vựa cá, lái cá thu cá vào để bỏ mối lại cho các cơ sở làm mắm, nước mắm và các vùng nuôi cá bè.

Anh Hải tâm sự, 4 năm gần đây mới có một mùa nước đẹp nên tôm cá nhiều. Đối với ngư dân và người dân vùng đầu nguồn, mùa nước đẹp là nước dâng lên từ từ, ở mức cao hơn báo động 1 và lũ năm nay đạt các điều này.

Nhưng với con nước hiện nay, ngư dân như anh Hải không hiểu vì sao nước lại bất thường.

Thông thường tháng 8 là nước dâng lên rồi vào đồng từ từ. Năm nay nước về rất trễ, không vào đồng nên ai cũng lo không có mùa nước nổi, thì bất ngờ tháng 9 nước lại về, tràn ngập vào đồng.

Anh Trần Văn Hải

Các ngư dân như anh Hải so sánh, với bất thường vậy nên năm nay như có 2 mùa nước nổi. Con nước bất thường nên nguồn cá cũng bị ảnh hưởng theo.

Chỉ tay vào mớ cá linh, anh Hải nói, thông thường cá linh kích cỡ bằng nhau do xuất hiện cùng thời điểm. Nhưng năm nay nước về bất thường nên cá linh kích cỡ cũng khác theo, có con to bằng ngón tay cái, rồi có con nhỏ bằng ngón giữa, ngón út. Đây là điều rất ít thấy trong các mùa đánh bắt cá linh.

Nỗi niềm mùa nước nổi ở An Giang ảnh 7

Mùa cá linh giúp nhiều người dân An Giang có thu nhập khá.

Anh Hải đoán, cá linh kích cỡ bất thường do đợt tháng 8 nước về dù mực nước thấp nhưng cá linh bị tín hiệu dẫn dụ về theo đẻ trứng. Đến tháng 9, đợt nước về nhanh và mực nước cao hơn, cá linh lại theo về tiếp.

Vì như có hai mùa nước nên cá về loạn xạ và con sinh đẻ trước, con sinh đẻ sau nên từ đó dẫn đến kích cỡ cá non cũng khác theo. Hơn mấy chục năm sống bằng nghề đánh cá trong mùa lũ, những ngư dân như anh Hải chưa thấy năm nào con nước như năm nay.

Nỗi niềm mùa nước nổi ở An Giang ảnh 8

Cá linh được các cơ sở thu mua để làm nước mắm hay làm mắm.

Những năm trước, mùa nước nổi dù thấp, trung bình hay cao đi nữa nhưng vào đồng theo đúng chu kỳ tháng 7. Lúc trước, kinh nghiệm người xưa truyền lại “3 năm lũ nhỏ có 1 năm lũ lớn” nhưng từ năm 2008 trở về không thể dựa vào kinh nghiệm này.

Mùa cá này, anh Hải vui vì cá nhiều nhưng kèm theo đó là nỗi lo vì lũ năm nay khá lạ so với những người hiểu biết vùng sông nước như anh. Đó là nỗi lo phải đối mặt những mùa nước nổi khó lường.

Mùa nước nổi là người bạn thân thuộc của nông dân, khi xưa, họ dựa vào thiên nhiên là dự đoán được năm nào nước lớn và năm nào nhỏ, nhưng bây giờ, không ai biết rõ, bởi con nước thất thường.

Và như thế, mỗi khi bắt đầu vào mùa nước nổi, hàng nghìn người dân sống nhờ vào con nước lại phập phồng, băn khoăn mùa cá sẽ ra sao?...

back to top