Sản vật mùa nước nổi

Mùa nước nổi, những sản vật từ thiên nhiên như cá linh, cá lóc đồng, cá chốt, cua, lươn đồng... luôn được người dân tại nhiều chợ ở tỉnh Đồng Tháp thu mua, bày bán từ sáng sớm tới trưa.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân mang cá ra chợ cá đồng Trường Xuân bán lại cho chủ vựa.
Nông dân mang cá ra chợ cá đồng Trường Xuân bán lại cho chủ vựa.

Nhiều năm nay, chợ cá đồng Trường Xuân (xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười) được nhiều người biết đến. Vào mùa nước nổi, dù có năm nước nhiều hay ít, cứ từ tháng 7 âm lịch, nơi đây bắt đầu nhộn nhịp cảnh mua bán trên bờ và cả dưới bến sông. Khi con nước Rằm tháng tám đang lên dần, chúng tôi có dịp tìm đến chợ cá đồng, nơi được xem là một trong những ngôi chợ đặc biệt nhất ở vùng Đồng Tháp Mười.

Hơn 12 giờ trưa, vợ chồng anh Trương Văn Tuốt, ngụ xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An tấp ghe vào một vựa cá gần bến chợ cá đồng Trường Xuân. Vừa buộc dây neo vào chân cầu, vợ anh Tuốt và một người làm nghề vác thuê đi vội xuống ghe, khuân từng thùng cá còn đang tươi rói để mang lên giao cho chủ vựa cá.

Anh Tuốt năm nay 47 tuổi, hành nghề mua bán cá được 13 năm. Từ tháng sáu âm lịch đến nay, anh cho ghe men theo các nhánh sông, cánh đồng của huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, nơi có nhiều người đặt dớn để gom mua đủ loại mặt hàng cá.

"Mùa nước năm nào tôi cũng đi mua cá về bán lại, đi riết cũng quen. Bữa nào không đi là nhớ sông, nhớ đồng, nhớ cảnh mua bán lắm. Năm nay nước lên xuống thất thường hoài cho nên không có cá nhiều như năm trước. Mấy ngày nay tôi mua chủ yếu là cá linh, mang ra bán cho chủ vựa với giá 50.000 đồng/kg", anh Trương Văn Tuốt chia sẻ.

Gọi là chợ nhưng số hộ kinh doanh tại chợ cá đồng Trường Xuân không nhiều, chỉ có 12 hộ. Tuy nhiên, có những thời điểm trong ngày vẫn diễn ra cảnh mua bán tấp nập. Chúng tôi có mặt trong buổi trưa nhưng có hàng chục người đi ghe, đi xuồng mang cá đồng đến bán tại các vựa cá. Một lão nông vừa đi thăm lọp về, toàn thân còn ướt sũng xách túi lưới từ dưới ghe lên, bên trong có 6 con cá lóc. Còn trên bờ, nào là xe máy, xe tải nhỏ, xe ba gác cũng tìm đến các vựa cá của chợ cá đồng Trường Xuân mua đủ loại sản vật mùa nước nổi.

Chị Huỳnh Thị Thanh Nhanh, 47 tuổi, ngụ ấp 1, xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh làm nghề buôn cá đồng được 7 năm nay, mua cá về chợ Cao Lãnh bán lại. Cứ đều đặn hằng ngày vào buổi trưa, vợ chồng chị Nhanh đi xe máy khoảng 40 km từ nhà đến vựa cá tại chợ cá đồng Trường Xuân. "9 can nhựa tôi để treo hai bên xe máy, chứa được hơn 100 kg cá đồng các loại, được mua từ nhiều chủ vựa cá. Thu nhập cao nhất được khoảng 500.000 đồng/ngày. Cá được vợ chồng tôi mua đem về nhà rọng sẵn, khoảng 1 giờ khuya mang ra chợ Cao Lãnh bán", chị Nhanh chia sẻ.

Chợ cá đồng Trường Xuân được đưa vào hoạt động cũng là ngần ấy năm vựa cá đồng Huy đi thu mua sản vật mùa nước nổi của người dân từ khắp nơi mang về bán. Anh Huy, chủ vựa, cho biết: "Tùy con nước mà mỗi ngày, vựa cá của tôi thu mua từ 100 kg-200 kg. Thời điểm thu mua cao nhất là từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch, gồm các loại cá: linh, lóc, chốt, lăng, chạch, trèn, sặc và cua, lươn đồng. Cá chủ yếu được người nông dân và thương lái thu gom ngụ huyện Tân Hưng, tỉnh Long An mang qua bán.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trường Xuân Dương Văn Kiệt thông tin: Trước đây chợ cá đồng Trường Xuân ở nơi khác, được dời về vị trí hiện tại được gần 7 năm. Hiện nay, khu vực chợ có 10 hộ kinh doanh cá đồng, hai hộ kinh doanh các mặt hàng khác. Năm nay, do nước không nhiều cho nên chợ cá đồng Trường Xuân không nhộn nhịp như năm trước nhưng cũng đã góp phần duy trì văn hóa mùa nước nổi. Giai đoạn này đóng góp nguồn thủy sản nhiều hơn mùa bình thường, góp phần tạo thêm thu nhập cho hộ kinh doanh trên địa bàn, cũng như tạo dựng hình ảnh đặc trưng của địa phương.

Những ngày này, tại các chợ quê như Cả Sách (xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự), chợ Rạch Chanh (xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh)… các loại cá đồng, bông súng, bông điên điển, rau muống đồng là những sản vật đặc trưng mùa nước nổi cũng được nông dân mang ra chợ bán rất nhiều. Đây là những loại rau cá tự nhiên và món ăn quen thuộc từ bao đời nay cho nên các sản vật được đông người bày bán mà không lo bị ế.

Nhiều loại cá đồng phong phú với đủ kích cỡ, hay các loại rau đồng nhiều hơn bình thường đã thu hút khá đông người dân tìm đến với chợ quê để mua sản vật mùa nước nổi. Những chợ quê này đã góp phần gìn giữ nét đặc trưng của miền tây sông nước.