Tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Hà Nội luôn xác định mục tiêu triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Hà Nội luôn chú trọng đổi mới các chương trình xúc tiến thương mại, mang lại hiệu quả thiết thực cho nhà sản xuất. |
Sau gần 4 năm triển khai, Chương trình OCOP nhanh chóng khẳng định vị thế, được ủng hộ của đông đảo các thành phần kinh tế, thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất-kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động khu vực nông thôn, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Phát huy thế mạnh từ đất “trăm nghề”
Hà Nội có tới 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước, với 1.350 làng nghề, trong đó có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận. Bên cạnh các làng nghề, Hà Nội còn có 1.136 HTX nông nghiệp đang hoạt động, 1.695 trang trại, 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, cùng với đó là hàng nghìn sản vật nông nghiệp nức tiếng xưa nay, đây là điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững. Chương trình OCOP đã đánh thức tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Thủ đô và là "cú hích" làm đổi mới tư duy sản xuất, đánh đúng, trúng nhu cầu tiêu dùng, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn.
Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí chia sẻ, sau khi chứng nhận sản phẩm OCOP, Thành phố luôn quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, qua đó sản phẩm OCOP đã được người tiêu dùng nhận diện và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, Thành phố đã khai trương đi vào hoạt động được 85 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, các chủ thể OCOP sau khi được công nhận đã không ngừng nâng cao về chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nghiên cứu thiết kế mẫu mã bao bì, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường các nước trên Thế giới.
Đẩy mạnh đào tạo và xúc tiến thương mại
Hà Nội xác định để thực hiện thành công Chương trình OCOP cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành từ Thành phố đến cơ sở và sự vào cuộc của toàn thể các tầng lớp nhân dân, do vậy công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân là giải pháp quan trọng. Trong đó chú trọng truyền tải các cơ chế, chính sách của Nhà nước về Chương trình OCOP; phổ biến các mô hình, cách làm hay của các tổ chức, cá nhân thực hiện thành công Chương trình OCOP, góp phần quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, từ đó đã tạo sức lan tỏa rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Sản phẩm tham gia Chương trình OCOP không ngừng được hoàn thiện, nâng cấp và có nhiều chuyển biến tích cực về quy mô, chất lượng, quy trình sản xuất, chế biến cũng như mẫu mã bao bì, hệ thống nhận diện thương hiệu.
Công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP được Thành phố rất quan tâm và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện hàng năm. Điển hình như Sở Công Thương; Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Thành phố. Đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức các sự kiện như Festival, Sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh, thành trong cả nước; tuần hàng các tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; tham gia các Hội chợ do Trung ương và các địa phương tổ chức. Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội đã lựa chọn và khai trương đưa vào hoạt động được 85 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên toàn Thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tạo ra “làn gió” mới trong sản xuất và phát triển nông nghiệp nói chung. Đây là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, thực hiện bền vững các tiêu chí về sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt khu vực nông thôn. Các sản phẩm OCOP của Hà Nội không những đã và đang tạo dấu ấn, niềm tin cho người dân Thủ đô.
Có thể thấy rằng, thông qua việc phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, Hà Nội đã, đang và sẽ thể hiện rõ vai trò "đầu tàu" trong việc hỗ trợ các tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề trên thị trường Thủ đô, tạo động lực để chương trình này phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
Thành phố đã công nhận được 2.167/9.852 sản phẩm, chiếm 22% của cả nước. Trong đó có 06 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Riêng năm 2022, Thành phố công nhận 518 sản phẩm (01 sản phầm tiềm năng 5 sao, 271 sản phẩm 4 sao, 246 sản phẩm 3 sao), vượt chỉ tiêu Kế hoạch 118 sản phẩm (mỗi năm có 400 sản phẩm).