Cách làm hay ở xã vùng cao Thạch Bình

Thạch Bình là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Nho Quan (Ninh Bình), với 50% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Mặc dù địa hình không bằng phẳng, vùng núi xen lẫn vùng chiêm trũng và nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ của huyện, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nhưng trong những năm gần đây, xã Thạch Bình đã nỗ lực vươn lên xây dựng nông thôn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Phát triển nghề trồng hoa Tết tại xã Thạch Bình, huyện Nho Quan. (Ảnh Thùy Dung)
Phát triển nghề trồng hoa Tết tại xã Thạch Bình, huyện Nho Quan. (Ảnh Thùy Dung)

Dẫn chúng tôi trên những tuyến đường giao thông của xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạch Bình Vũ Dũng cho biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, việc cải tạo hạ tầng, phát triển giao thông là tiêu chí khó của địa phương vì địa bàn rất rộng với 18 thôn, dân cư ở thưa thớt, tỷ lệ hộ nghèo cao, chiều dài đường giao thông trên địa bàn xã gần 100 km. Năm 2021, ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, của huyện với hơn 4.000 tấn xi-măng để nâng cấp đường giao thông thôn, xóm, đóng góp của nhân dân là rất lớn. Có những hộ đóng góp tới 40 triệu đồng, hộ ít nhất cũng hàng triệu đồng, cùng nhiều ngày công lao động để mở rộng, kiên cố hóa những con đường.

Bên cạnh đó, để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã tranh thủ và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư giảm nghèo, giải quyết việc làm. Đồng thời, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật, xây dựng các mô hình kinh tế mới hiệu quả như: Mô hình sản xuất gỗ bóc, trồng hoa, cây keo,...Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 73 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 3,08%...

“Thạch Bình đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 8/2021. Để có được bước chuyển mình mạnh mẽ từ cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm cũng như đời sống của người dân, một trong những giải pháp quan trọng mà xã triển khai là phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” gắn với việc bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, dân chủ trong xây dựng nông thôn mới” - ông Dũng đánh giá.

Chị Đinh Thị Luyến, thôn Đồi Dài cho biết, trước đây con đường của xã nhỏ, hẹp, không thuận tiện giao thông; từ khi xây dựng nông thôn mới, hầu hết các tuyến đường liên xã đều được bê-tông, nhựa hóa, hai bên đường được trồng hoa, lắp đặt hệ thống chiếu sáng. Bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện.

“Với 3 sào lúa cho thu nhập 800.000 nghìn đồng/sào, kinh tế gia đình tôi rất khó khăn. Từ năm 2014, xã khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển thêm nghề trồng hoa, gia đình tôi chuyển sang trồng hoa cúc quanh năm ba vụ xen kẽ với các vụ lúa, đến nay cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng/vụ, nhờ đó đời sống ngày càng được cải thiện. Trong xây dựng nông thôn mới, gia đình tôi cùng các hộ dân trong xã đã bàn bạc, tự nguyện bỏ công sức để làm đường và đóng góp 11 triệu đồng xây 20m kênh mương, tạo đà cho phát triển sản xuất nông nghiệp” - chị Luyến phấn khởi chia sẻ.

Với diện tích chiếm 1/3 diện tích toàn tỉnh, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 18% dân số, khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, huyện Nho Quan gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là thu nhập bình quân đầu người thấp đạt 14,86 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm 11,69%. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện, kể từ khi phát động thực hiện chương trình đến tháng 6/2022, huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, sớm hơn hai năm so với mục tiêu đề ra.

Theo ông Bùi Văn Thể, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nho Quan, bên cạnh phát huy sức mạnh nội lực, “lấy dân làm gốc” làm đòn bẩy hoàn thành các tiêu chí, một trong những giải pháp và nhiệm vụ quan trọng góp phần mang lại thành công xây dựng nông thôn mới của huyện là Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Qua chương trình, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, đưa xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững; giúp giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội được bảo đảm. Hiện, huyện có 24 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 8 sản phẩm hạng 4 sao, 16 sản phẩm hạng 3 sao.

Bên cạnh đó, huyện đã đưa ra các nghị quyết chuyên đề, cơ chế hỗ trợ các mô hình sản xuất từ 50 đến 100 triệu đồng cho một mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi để nhân rộng toàn huyện; chính sách hỗ trợ đối với mỗi sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 100 đến 150 triệu đồng. Đặc biệt hiện nay, đối với các thôn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, huyện cũng khuyến khích hỗ trợ mỗi thôn 20 triệu đồng để động viên nhân dân tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nho Quan Trần Việt Hùng cho biết, sau hơn 12 năm thực hiện chương trình, huyện đã huy động tổng kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới đạt gần 9.000 tỷ đồng, trong đó huy động nguồn lực từ nhân dân tham gia chiếm hơn 14%; đặc biệt, người dân đã hiến hơn 74 ha đất và gần 266.000 ngày công lao động. Đến nay, tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,01%. Diện mạo nông thôn các vùng quê ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang, phát triển theo hướng văn minh, sạch đẹp; các mô hình về phát triển kinh tế sản xuất nông nghiệp của nhân dân và thu nhập đầu người được cải thiện rõ rệt, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Xác định về đích nông thôn mới là điểm đầu và xây dựng nông thôn mới không có điểm kết thúc, thời gian tới, huyện Nho Quan không ngừng củng cố, duy trì, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng các nhóm tiêu chí về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, y tế, văn hóa, giáo dục và môi trường, chất lượng môi trường sống; đồng thời, phát huy cao nhất các nguồn lực, lợi thế, vai trò chủ thể của người dân trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện. Nho Quan phấn đấu giai đoạn 2025-2030 là huyện nông thôn mới nâng cao. Mục tiêu trước mắt là năm 2025, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 140 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người hơn 75 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống dưới 1%,...