Bắc Ninh tích cực xây dựng nông thôn mới nâng cao

Tại Bắc Ninh, với việc triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm cụ thể hóa, đưa các nghị quyết của Ðảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống đã góp phần cải thiện diện mạo nông thôn, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Mở rộng đường làng tại xã Cao Ðức, huyện Gia Bình.
Mở rộng đường làng tại xã Cao Ðức, huyện Gia Bình.

Sớm được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2017, Ðảng bộ, chính quyền xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, đã tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng tiêu chí, quyết tâm hoàn thành mục tiêu trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2024, tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu.

Xác định việc xây dựng nông thôn mới nâng cao là nhiệm vụ lâu dài và đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc, xã Lâm Thao đã huy động sự hỗ trợ từ các nguồn ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp và sự đóng góp của nhân dân để xây dựng các công trình hạ tầng với tổng số vốn hơn 100 tỷ đồng.

Một trong những thành công trong xây dựng nông thôn mới ở Lâm Thao là hệ thống giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng đã được cải thiện đáng kể. Ðường làng, ngõ xóm được mở rộng và trải nhựa hoặc bê-tông hóa giúp việc di chuyển và giao thương hàng hóa dễ dàng hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Các phong trào thi đua “Làng 3 sạch và đường hoa”, phong trào “5 không, 3 sạch” được triển khai hiệu quả đã mang lại bộ mặt khang trang hơn cho nông thôn.

Bà Nguyễn Thị Hạnh ở thôn Kim Thao, xã Lâm Thao cho biết: Nhờ có nông thôn mới, đường làng được cải tạo rộng rãi, sạch đẹp, giúp đi lại thuận tiện. Các công trình văn hóa, y tế, trường học được đầu tư xây dựng khang trang, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Nhờ chương trình nông thôn mới, cuộc sống ấm no hơn và người dân rất vui mừng về sự thay đổi tích cực của quê hương.

Năm 2020, huyện Lương Tài được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Vốn là vùng đất trũng với vô vàn khó khăn, người dân chủ yếu làm nông nghiệp cho nên việc đạt chuẩn nông thôn mới đã giúp cải thiện đáng kể về cơ sở hạ tầng, kinh tế và dịch vụ công, qua đó tạo động lực để người dân Lương Tài cùng chung sức, đồng lòng với chính quyền thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao. Huyện đã xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều giải pháp và đặt mục tiêu đến hết năm 2025 có 7-9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10-15 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tại huyện Gia Bình, với phương châm “lấy sức dân để lo cho dân”, người dân vừa là chủ thể vừa là người thụ hưởng, Mặt trận Tổ quốc huyện đã huy động sức mạnh toàn dân tham gia thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Khắc Ðạm, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Gia Bình cho biết: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nêu cao vai trò gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên, người dân trong huyện đã tích cực hưởng ứng, phát huy vai trò chủ thể, chủ động tham gia đóng góp ngày công, tiền của xây dựng hạ tầng nông thôn.

Chỉ tính riêng trong 5 năm trở lại đây (2019-2024), hệ thống mặt trận các cấp trong huyện đã vận động nhân dân hiến gần 45.000 m2 đất, đóng góp 15.000 ngày công lao động và hơn 100 triệu đồng mở rộng đường nông thôn và các công trình công cộng. Nhờ đó, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.

Tại Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025, Chương trình hành động 04/CTr-TU ngày 20/11/2020 của Tỉnh ủy đã đề ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 Bắc Ninh phấn đấu 100% các xã duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, có ít nhất 2 huyện và 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu); phấn đấu có ít nhất 50 thôn được công nhận thôn kiểu mẫu.

Theo thống kê của Văn phòng Ðiều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Ninh, toàn tỉnh hiện có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tất cả 6 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 9 xã đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trong đó 4 xã chuyển lên thành phường). Qua kết quả rà soát, đánh giá theo bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2022-2025, đối với 70 xã xây dựng nông thôn mới nâng cao hiện có 22 xã đạt tất cả 19 tiêu chí và đủ điều kiện làm hồ sơ xét công nhận.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tiến độ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh còn chậm do có sự thay đổi của bộ tiêu chí dẫn đến việc các địa phương và cơ quan chức năng gặp khó trong công tác rà soát và đánh giá. Một số tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đánh giá theo quy định mới đòi hỏi cần có lộ trình về thời gian, đầu tư kinh phí như cơ sở vật chất văn hóa, đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn. Chính vì vậy, kết quả rà soát tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của các xã trên địa bàn tỉnh đạt thấp, gây khó khăn trong việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch đề ra.

Mặt khác, một số địa phương nhìn nhận vai trò chủ thể của người dân còn hạn chế, chưa khơi dậy được khát vọng vươn lên của người dân nông thôn, đánh giá thực trạng tiêu chí chưa sát với thực tế cho nên cũng ảnh hưởng tới tiến độ triển khai thực hiện chương trình, nhất là đối với xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Ông Nguyễn Song Hà, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cho biết: Trong năm 2024, Bắc Ninh phấn đấu có ít nhất 20 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 20 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu và một xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện tại, đang hoàn thiện hồ sơ 22 xã để xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 hồ sơ để xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 67 hồ sơ để xét công nhận thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, dự kiến sẽ công nhận trong năm 2024.