Ninh Bình xây dựng thương hiệu nông sản bền vững

Xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, “chắp cánh” cho nông sản vươn xa ra thị trường trong nước, quốc tế. Hiện, tỉnh Ninh Bình triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, ban hành cơ chế, chính sách, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. Qua đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Nghề làm bánh đa truyền thống tại thôn Phong An, xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh. (Ảnh: HOÀNG HIỆP)
Nghề làm bánh đa truyền thống tại thôn Phong An, xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh. (Ảnh: HOÀNG HIỆP)

Trong 6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh Ninh Bình ước đạt hơn 5.700 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023. Hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đã đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; vừa hỗ trợ thành viên tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, vừa thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Ninh Bình được biết đến là vùng đất Cố đô với lịch sử hàng nghìn năm, hội tụ nhiều sản vật và công thức chế biến độc đáo, riêng có, như: Dê núi, cơm cháy, nem chua, mắm tép, cá rô Tổng Trường, trà hoa vàng Cúc Phương… Đặc biệt, gần đây, tỉnh đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam với nhiều khu, điểm du lịch nổi tiếng, quy mô quốc gia và quốc tế như: Quần thể danh thắng Tràng An, Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc-Bích Động... Nhiều năm liền Ninh Bình được các chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đón nhiều khách du lịch nhất cả nước. Nhờ đó, giá trị nông sản tiếp tục được tăng thêm.

Chị Đinh Thị Loan, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dược liệu Đông Sơn, thành phố Tam Điệp cho biết, các sản phẩm của hợp tác xã được trưng bày và giới thiệu tới khách du lịch thông qua nhiều hoạt động du lịch địa phương. Nhờ gắn với du lịch cho nên các sản phẩm được quảng bá rộng hơn, tiêu thụ tốt hơn.

Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Tấn cho rằng, Ninh Bình có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn, mỗi năm đón hàng triệu lượt du khách, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch đem lại lợi ích kép. Bởi du lịch là một kênh quảng bá, giới thiệu hữu hiệu dành cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Qua hoạt động du lịch và khách du lịch, các sản phẩm nông sản của tỉnh được lan tỏa đi nhiều nơi, là nơi khơi nguồn, phát huy giá trị đặc trưng để lôi cuốn khách du lịch đến địa phương, tạo ra nhu cầu mua sắm chi tiêu tại chỗ hiệu quả.

Tại phiên chất vấn Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình khóa 15, kỳ họp thứ 22, nhiều đại biểu cho rằng, muốn sản phẩm OCOP trở nên đặc biệt cần tăng cường yếu tố văn hóa vào sản phẩm. Mỗi sản phẩm cần có “câu chuyện” riêng cho nó, có như vậy mới nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm vốn đã độc đáo riêng có của Ninh Bình.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2022-2025, tỉnh định hướng phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản theo 5 tiểu vùng sinh thái, gắn với phục vụ du lịch, gồm: Tiểu vùng đồi núi bán sơn địa, tiểu vùng trũng, tiểu vùng đồng bằng, tiểu vùng ven đô thị, tiểu vùng ven biển. Mỗi tiểu vùng đã được định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản riêng.

Tuy nhiên, nông nghiệp Ninh Bình vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế từng tiểu vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp; các sản phẩm đặc sản, đặc hữu chưa được đầu tư phát triển bài bản cho nên số lượng, chất lượng còn nhiều hạn chế; các mối liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản còn ít, tính bền vững không cao; công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường còn nhiều lúng túng…

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết, thời gian tới, trên cơ sở xác định rõ các sản phẩm thế mạnh, đặc thù của từng vùng sinh thái, sở sẽ hỗ trợ xây dựng các thương hiệu nông sản, xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại. Sở tập trung đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng phát triển thị trường cho các chủ thể, hỗ trợ, hình thành các dòng sản phẩm làm quà biếu, tặng gắn với lịch sử, văn hóa địa phương.

Bên cạnh đó, sở phối hợp với các đơn vị có liên quan khảo sát, mở rộng phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, xây dựng các tour, tuyến đưa du khách đến trải nghiệm, tham quan, mua sắm ngay tại các làng nghề truyền thống và cơ sở sản xuất các sản phẩm nông sản đặc thù của tỉnh.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Minh Tiến cho rằng, Ninh Bình là địa phương có lợi thế về du lịch, bên cạnh việc tận dụng lợi thế để truyền thông, đưa sản phẩm tới gần với khách du lịch thông qua những kênh bán hàng tại các điểm du lịch, các hội chợ, trung tâm thương mại thì doanh nghiệp, hợp tác xã cần đổi mới, tiếp cận, đẩy mạnh việc đưa các mặt hàng lên sàn thương mại điện tử, đồng thời gắn câu chuyện vào từng sản phẩm, từ đó tạo nên sức mạnh mềm, dấu ấn, mang giá trị truyền thống của mỗi vùng.

Mỗi sản phẩm nông sản đều là “sứ giả văn hóa” của một địa phương cụ thể, thể hiện truyền thống, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân. Du khách trong quá trình tham quan, mua sắm sản phẩm luôn có nhu cầu được thông tin về những điểm đặc biệt của sản phẩm từ nguồn nguyên liệu, quá trình chế biến, sản xuất và cả giá trị sử dụng, giá trị văn hóa tinh thần.

Do vậy, khai thác triệt để các yếu tố thể hiện giá trị văn hóa bản địa kết tinh trong sản phẩm nông sản Ninh Bình để giới thiệu đến du khách là rất cần thiết. Việc xây dựng thương hiệu nông sản Ninh Bình gắn kết giữa tài nguyên bản địa với các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và bản sắc văn hóa sẽ góp phần tạo dựng hình ảnh cho Đô thị di sản thiên niên kỷ mà Ninh Bình đang hướng tới.