Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Huyện miền núi Ba Chẽ (Quảng Ninh) có hơn 19 nghìn người dân tộc thiểu số, chiếm hơn 80% số dân toàn huyện, gồm 14 dân tộc cùng sinh sống ổn định thành các cộng đồng, cư trú tập trung tại bảy xã và một thị trấn.
0:00 / 0:00
0:00
Diện mạo trù phú của huyện miền núi Ba Chẽ, Quảng Ninh.
Diện mạo trù phú của huyện miền núi Ba Chẽ, Quảng Ninh.

Những năm qua, huyện đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, tiếp tục bảo tồn và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa truyền thống của địa phương.

Bằng sự năng động, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, anh Triệu Kim Vày, người dân tộc Dao ở thôn Nà Làng, xã Ðồn Ðạc đã nỗ lực vượt khó, sáng tạo, tìm cho mình hướng đi riêng trong phát triển kinh tế, đó là nuôi con dúi.

Nghĩ là làm, với trại nuôi ban đầu có diện tích hơn 400m², luôn duy trì số lượng một số cặp dúi bố mẹ và hơn 300 con dúi thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Vày thu lãi hơn 300 triệu đồng từ việc bán dúi thương phẩm.

Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ðồn Ðạc Lưu Minh Thắng cho biết: "Cùng với nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ, xã luôn chú trọng huy động sức mạnh từ các nguồn lực xã hội, nội lực tại chỗ, phát huy sức dân để chăm lo cuộc sống của dân. Nhờ vậy mà người dân chủ động trong phát triển sản xuất, tích cực tham gia các hoạt động của xã, của thôn xóm; cuộc sống của người dân vùng dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao.

Xác định phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ là động lực, là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, huyện Ba Chẽ đã tập trung huy động các nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa để đầu tư xây dựng, nâng cấp toàn bộ hệ thống đường giao thông trên địa bàn, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Việc đầu tư phát triển bền vững kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm an ninh-quốc phòng và các chương trình, dự án mang tính đặc thù như: Ðề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ chuyển đổi nghề, vay vốn phát triển kinh tế; Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững; Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường và các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, giáo dục, văn hóa,… đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi của huyện; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao.

Cùng với việc thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, huyện Ba Chẽ đã dành nguồn lực ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số như: chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… đã được huyện thực hiện có hiệu quả, đem lại cuộc sống mới cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Song song với đó, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị di tích, danh thắng cũng được huyện Ba Chẽ đặc biệt quan tâm. Các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các lễ hội truyền thống và những nét đẹp văn hóa của các dân tộc của huyện luôn được duy trì và phát huy hiệu quả, góp phần quảng bá hình ảnh con người Ba Chẽ đến với đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh.

Chị Mông Thị Thủy, ở thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn phấn khởi chia sẻ: "Những năm gần đây, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi được các cấp ủy, chính quyền rất quan tâm và ngày càng được nâng cao. Cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng giúp cho người dân đi lại thuận tiện và phát triển sản xuất, giao thương kết nối vùng miền; an sinh xã hội được bảo đảm, y tế, giáo dục được đầu tư thỏa đáng, từng bước thu hẹp khoảng cách vùng miền".

Ðến nay, toàn bộ bảy xã của huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ba xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thị trấn đạt tiêu chuẩn đô thị văn minh. Năm 2022, huyện Ba Chẽ đạt chuẩn nông thôn mới. Ðến hết năm 2023, theo tiêu chí của Trung ương, huyện không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo là 39 hộ, chiếm tỷ lệ 0,69%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 72,2 triệu đồng/năm, gấp 1,92 lần so với năm 2019. Huyện không còn xã, thôn thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Chẽ Ðinh Thị Vỹ cho biết: "Huyện tập trung nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo bốn tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao đời sống của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, chất lượng, hiệu quả chương trình, tập trung rà soát, xây dựng phương án, kế hoạch hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, củng cố, nâng chất các nội dung, tiêu chí đã đạt được. Huyện lồng ghép nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện chương trình tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các chương trình mục tiêu quốc gia trong thực hiện chương trình phát triển kinh tế-xã hội.

Về thăm những bản làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Ba Chẽ hôm nay, ai cũng nhận thấy sự đổi thay rõ rệt, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tươi đẹp hơn. Cuộc sống no ấm, văn minh đã và đang hiện hữu ở từng thôn, bản, khu phố. Những thành quả này là cơ sở vững chắc để huyện Ba Chẽ tiếp tục có sự bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội và là động lực to lớn để Ba Chẽ ngày càng phát triển bền vững.