Tính đến giữa năm 2024, thành phố Hải Phòng đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 89 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 7/8 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Hiện, chỉ còn huyện Bạch Long Vĩ - một trong những huyện đảo đặc thù không có đơn vị hành chính cấp xã cũng đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí để đề nghị xét công nhận huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới đặc thù giai đoạn 2021-2025 trong năm nay. Hải Phòng là một trong 18 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và là một trong những tỉnh, thành phố dành nguồn lực lớn từ ngân sách cho chương trình quan trọng này.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho biết, thành phố đã sớm có các nghị quyết và kế hoạch hành động cụ thể trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, thành phố chủ trương việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trở thành công tác thường xuyên, trọng tâm trong nhiệm vụ của cấp ủy đảng, chính quyền, sở, ngành, đoàn thể từ thành phố tới các huyện và các thôn, xã.
Cùng với ưu tiên bố trí nguồn lực lớn từ ngân sách thành phố cho chương trình, Hải Phòng đã thực hiện phân cấp triệt để, mạnh mẽ, cả về xây dựng nông thôn mới và đầu tư xây dựng cơ bản cho các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi, linh hoạt để địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, cân đối, bố trí nguồn lực, tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Bảo Nguyễn Đức Cảnh chia sẻ, huyện xác định xây dựng nông thôn mới là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thay đổi diện mạo và đời sống nhân dân. Huyện đã ban hành và triển khai các chương trình, kế hoạch, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền cụ thể hóa thành hành động cụ thể phù hợp với điều kiện địa phương trong thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, sau 12 năm triển khai thực hiện, huyện Vĩnh Bảo đã hoàn thành và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến giữa năm 2024, Vĩnh Bảo đã trở thành một trong bốn huyện của Hải Phòng cơ bản đạt tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao và đang triển khai các bước trình tự thủ tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.
Tại huyện Thủy Nguyên, sau khi hoàn thành và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đã tập trung cao cho Chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới nâng cao. Đến nay, huyện có 25 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, 15 xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu. Chỉ tính trong năm 2024, thành phố và huyện triển khai đầu tư 1.141 tỷ đồng để thực hiện 226 công trình hạ tầng nông thôn mới kiểu mẫu tại 10 xã trên địa bàn huyện.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên Nguyễn Huy Hoàng cho biết, huyện đã huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, các địa phương để tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo định hướng xây dựng Thủy Nguyên có kết cấu hạ tầng giao thông, giáo dục, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiện đại, kết nối chặt chẽ và là bước đệm quan trọng để tạo đà phát triển đô thị hóa tại huyện, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủy Nguyên trở thành thành phố. Trong đó, 10 xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2023 đều được chuyển đổi lên phường theo lộ trình chuyển đổi huyện Thủy Nguyên lên thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng vào trước năm 2025.
Ông Vũ Văn Chương, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Minh Tân (huyện Kiến Thụy) chia sẻ: Xây dựng đường giao thông là một trong những tiêu chí khó khăn nhất để hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Xác định được điều này, Ban Công tác mặt trận đã cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ xã tới các thôn dân cư đã tuyên truyền vận động nhân dân tự nguyện hiến đất để xây dựng các công trình nông thôn mới.
Trong những năm qua, xã đã có 587 hộ dân hiến hơn 9.400 m2 đất và tháo dỡ công trình để xây dựng, mở rộng 12 tuyến đường nông thôn. Có hộ dân đã tự nguyện hiến hơn 30 m2 đất thổ cư, trị giá hơn 800 triệu đồng… Qua khảo sát tại xã Minh Tân, có hơn 90% người dân thể hiện sự hài lòng về những kết quả xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và 96,8% người dân thể hiện sự hài lòng về những kết quả xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu…
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho biết, thành phố luôn ưu tiên dành nguồn lực ngân sách cho chương trình với tổng kinh phí trong giai đoạn vừa qua lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Riêng trong sáu tháng đầu năm 2024, toàn thành phố đã huy động tổng nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới nâng cao lên tới hơn 34.000 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách và đầu tư công hơn 6.700 tỷ đồng. Đáng chú ý, các địa phương đã vận động nhân dân cùng chung sức đóng góp với việc vận động gần 13.000 trường hợp tự nguyện cho tặng quyền sử dụng hơn 231.000 m2 đất, với tổng giá trị ước tính hơn 1.800 tỷ đồng để xây dựng các công trình nông thôn mới…
Cùng với việc đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, thành phố Hải Phòng đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội, nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và xử lý rác thải, thực hiện chuyển đổi số, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật, bảo vệ an ninh trật tự…, nhằm mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân…
Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của thành phố Hải Phòng trong năm 2023 đạt 69,9 triệu đồng/năm, tăng 8,85 triệu đồng so với năm 2022. Giai đoạn 2024-2025, Hải Phòng đã và đang nỗ lực phấn đấu có thêm 50 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 35 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; bốn huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy cơ bản hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao và huyện Bạch Long Vĩ thực hiện cơ bản hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù trong năm 2024.