Đổi thay mạnh mẽ trên quê hương cách mạng Kiến Thụy

Là địa bàn chiến lược quan trọng trong thế trận phòng thủ của đất nước, cửa biển Hải Phòng, Kiến Thụy - nơi từng là kinh đô của Vương triều Mạc và là căn cứ kháng chiến năm xưa - nay đang đổi thay mạnh mẽ, nỗ lực bứt tốc để thành vùng quê đáng sống, điểm đến hấp dẫn, năng động của thành phố Cảng.
0:00 / 0:00
0:00
Vùng quê cách mạng Kiến Thụy đang phát triển mạnh mẽ, đổi mới từng ngày. (Ảnh ĐÔNG GIANG)
Vùng quê cách mạng Kiến Thụy đang phát triển mạnh mẽ, đổi mới từng ngày. (Ảnh ĐÔNG GIANG)

Trong những ngày mùa thu cách mạng, trên khắp làng quê Kiến Thuỵ đang bừng lên sức sống mới với những công trình, dự án sôi động, vóc dáng nông thôn mới ngày càng khang trang, hiện đại, cùng các khu đô thị mới, cụm công nghiệp, cảng biển đang dần hình thành…

Từ tiếng trống Kim Sơn năm xưa…

Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy Đỗ Đức Hòa chia sẻ, mùa thu cách mạng năm nay cũng là dịp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kiến Thụy kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên, tiền thân của Đảng bộ huyện Kiến Thụy ngày nay (22/9/1944-22/9/2024) - đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng và bước phát triển mới của mảnh đất “đầu sóng, ngọn gió” nơi đây.

Cách đây 80 năm, ngày 22/9/1944, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc Kỳ và liên Tỉnh ủy Hải-Kiến, tại Đầm Bầu, thôn Kính Trực, xã Tân Phong, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên của huyện được thành lập. Chi bộ Đảng đã lựa chọn và trực tiếp lãnh đạo làng Kim Sơn, xã Tân Trào làm “điểm khởi nghĩa mở đầu” giành thắng lợi vào ngày 12/7/1945, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng - Chính quyền cách mạng cấp xã đầu tiên ở tỉnh Kiến An-Hải Phòng và vùng duyên hải Bắc Bộ. Ngày 4/8/1945, Chi bộ đã lãnh đạo lực lượng tự vệ, nhân dân trong toàn huyện cùng với làng Kim Sơn nổi dậy kháng Nhật, bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng non trẻ, gây tiếng vang lớn… Từ tiếng trống “Kim Sơn kháng Nhật”, phong trào cách mạng đã lan rộng trong các tầng lớp nhân dân, góp phần cùng Hải Phòng và cả nước làm nên thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi...

Ông Đặng Nam, người thanh niên yêu nước đã tham gia lực lượng tự vệ cứu quốc của làng Kim Sơn, xã Tân Trào năm xưa nay đã hơn 100 tuổi. Nhiều năm trước, ông vẫn còn nhớ khí thế cách mạng hào hùng của những năm tháng không thể nào quên đó. Ngày đó, như nhiều vùng quê của Việt Nam, làng Kim Sơn quanh năm nghèo đói dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến. Cách mạng về, khí thế của toàn dân luôn sục sôi. Tự vệ làng Kim Sơn đã bí mật tập kích đồn Đoan ở Tiểu Bàng, thu vũ khí, cắm cờ đỏ sao vàng trên nóc đồn địch và sáng 12/7/1945, Việt Minh cùng nhân dân nhiều xã trong huyện Kiến Thụy đồng loạt tiến về làng Kim Sơn tổ chức mít-tinh, lật đổ chính quyền tay sai và ra mắt chính quyền cách mạng đầu tiên của vùng duyên hải Bắc Bộ - đánh dấu bước chuyển mới của phong trào cách mạng với việc Kiến Thụy - huyện đầu tiên giành được chính quyền ở tỉnh Kiến An đêm 14, rạng ngày 15/8/1945...

Đến Kiến Thụy đổi mới mạnh mẽ hôm nay…

Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy Đỗ Đức Hòa cho biết, trong 80 năm qua, vượt bao chông gai, thử thách, từ Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên với 3 đảng viên, Đảng bộ huyện Kiến Thụy đã không ngừng phát triển, lớn mạnh với gần 6.350 đảng viên, sinh hoạt ở 38 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc. Với chủ trương “sâu sát cơ sở, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với nhân dân”, Đảng bộ huyện Kiến Thụy vừa tập trung xây dựng tổ chức, cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, vừa quyết tâm lãnh đạo nhân dân xây dựng và phát triển quê hương ngày càng đổi mới, phát triển toàn diện.

Ông Đỗ Xuân Trịnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy nhớ lại, vào những năm 80 của thế kỷ trước, Kiến Thụy cũng là cái nôi ra đời cơ chế khoán trong sản xuất nông nghiệp - tiền đề để Thành ủy Hải Phòng ra Nghị quyết số 24, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 100 và Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10 - nghị quyết trở thành cơ chế tạo bước phát triển mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp của cả nước.

Từ những bước phát triển đó, Kiến Thụy cũng là một trong những địa phương có 100% số xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới từ giữa năm 2019; đến năm 2022, Kiến Thụy được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới và năm 2023, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kiến Thụy vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy Lưu Văn Thụy cho biết, Đảng bộ huyện luôn xác định mục tiêu phát huy tối đa nguồn lực để đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu kinh tế-xã hội đồng bộ; phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch gắn với bảo vệ môi trường; ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; khai thác toàn diện lợi thế kinh tế biển và huyện ven đô... Trong đó, các khâu đột phá chính là: phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng và phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai phù hợp điều kiện thực tế với việc khơi dậy mạnh mẽ vai trò chủ thể của nhân dân, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tạo nên diện mạo hạ tầng nông thôn Kiến Thụy khởi sắc. Ngoài nguồn vốn thành phố và các nguồn vốn lồng ghép, huyện đầu tư gần 95 nghìn tỷ đồng từ ngân sách, huy động hơn 119 tỷ đồng từ doanh nghiệp và hơn 978 tỷ đồng từ nhân dân và cộng đồng tự nguyện đóng góp cho xây dựng địa phương.

Trong đó, huyện vận động 1.804 hộ dân hiến hơn 45 nghìn m2 đất, với kinh phí gần 100 tỷ đồng, chiếm 12,5% tổng nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, huyện có sáu xã là Thụy Hương, Thanh Sơn, Đại Đồng, Đại Hà, Minh Tân, Tân Trào được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và phấn đấu đến năm 2025, Kiến Thụy sẽ đạt huyện nông thôn mới nâng cao.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy Lưu Văn Thụy khẳng định, với truyền thống cách mạng hào hùng, sự đồng tâm hiệp lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, với vị thế và tầm vóc mới, vùng quê cách mạng Kiến Thụy đang bừng sáng, vững bước trên con đường trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025 và sớm trở thành đơn vị hành chính quận trước năm 2030 theo định hướng phát triển của đô thị Hải Phòng.