Bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây mưa lũ đã làm thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng cho sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và đầu tư tu sửa hệ thống đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, trong đó riêng lĩnh vực nông nghiệp là hơn 220 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lương Tài, Vũ Văn Hào cho biết: Tổng giá trị thiệt hại do bão lũ gây ra trên địa bàn huyện ước tính hơn 100 tỷ đồng, nặng nhất là nuôi trồng thủy sản ước tính hơn 76 tỷ đồng, tập trung ở các hộ nuôi cá lồng bè trên sông thuộc địa bàn các xã: Trung Kênh, Minh Tân và An Thịnh. Thiệt hại về lúa ước 33,8 tỷ đồng.
Toàn huyện có hơn 2.500 ha lúa bị ảnh hưởng, trong đó hỏng hoàn toàn là hơn 147 ha. Ngoài ra, mưa lũ làm thiệt hại hơn 141 tỷ đồng về cơ sở hạ tầng. Huyện đang thống kê thiệt hại, lên phương án đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí kịp thời để người dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Chị Trần Thị Mến, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài cho biết: "Gia đình nuôi 24 lồng cá, mỗi lồng 5 tấn, tổng giá trị khoảng 10 tỷ đồng, trong đó có hơn 4 tỷ đồng vay vốn ngân hàng. Bão về xé hai lồng cá lăng, hai lồng cá chép giòn, số còn lại nước lũ lên nhanh khiến 70% số cá của gia đình bị trôi đi và chết.
Hiện, chúng tôi tập trung dồn đẩy rác, đưa lồng vào bờ và gia cố, tuy nhiên nước rất bẩn cho nên nguy cơ cá chết rất lớn. Thiệt hại do thiên tai chẳng ai mong muốn, giờ chúng tôi rất cần hỗ trợ vốn ưu đãi, giãn nợ ngân hàng để khôi phục sản xuất".
Tại Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tâm Phúc, thôn Huề Đông, xã Đại Lai, huyện Gia Bình có tổng diện tích 10.000 m2 nhà màng đều đã bị bão số 3 quật đổ và tốc mái, khiến khoảng 30.000 cây dưa chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch bị đổ, giập, thối, không sử dụng được.
Nhờ các cán bộ, nhân viên Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Bắc Ninh hỗ trợ, hướng dẫn khôi phục sản xuất sau bão, lũ; hiện người dân đã khơi thông cạn nước toàn bộ diện tích của hợp tác xã và gia cố lại các nhà màng bị đổ, tốc mái; đồng thời vệ sinh đồng ruộng, loại bỏ, cây hỏng nát, khử trùng và cải tạo đất bằng các biện pháp như cày sâu, rắc vôi bột, phân lân, phân chuồng hoặc các vật liệu hữu cơ đã hoai mục. Hợp tác xã mong sớm có chính sách hỗ trợ để dựng lại nhà màng, khôi phục sản xuất.
Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh đã thành lập 4 tổ chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ. Các tổ công tác có nhiệm vụ phối hợp trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố; các xã, thị trấn chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho các hợp tác xã, các chủ trang trại, các hộ gia đình khôi phục sản xuất nông nghiệp, thời gian thực hiện nhiệm vụ từ ngày 18 đến 30/9/2024.
Người nông dân đang khẩn trương dọn dẹp bùn đất, gạch, ngói, cây cối đổ nát, thau rửa chuồng trại, xử lý môi trường, vệ sinh chuồng trại, khắc phục sự cố đường điện, nước, giải quyết vấn đề môi trường, tiêu độc khử trùng… Đồng thời, họ mong tỉnh và Trung ương sớm có cơ chế hỗ trợ để khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau bão lũ.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh nhận định, hiện nay chính sách bồi thường thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh được quy định trong Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 02) về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh quá thấp so với chi phí đầu tư sản xuất.
Vì vậy, việc đề xuất nâng mức hỗ trợ và cho áp dụng các chính sách hỗ trợ ngoài chính sách có trong Nghị định số 02 trước những thiệt hại do bão số 3 gây ra là cần thiết và cấp bách. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần kiến nghị Chính phủ có thêm những nghị quyết, chính sách riêng phù hợp thực tiễn hiện nay để hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp, như sửa đổi, điều chỉnh nâng mức giá hỗ trợ sản xuất nông nghiệp về lúa, mạ, cây trồng, vật nuôi/1 ha diện tích sản xuất, do đơn giá theo quy định tại nghị định quá thấp so với thời điểm thực tế hiện nay.
Hiện, Nghị định quy định hỗ trợ 2 triệu đồng/ha lúa thuần bị thiệt hại hơn 70%, trong khi thực tế người dân phải đầu tư kinh phí lớn hơn rất nhiều; sửa đổi bổ sung mức giá hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghệ cao như nhà màng sản xuất nông nghiệp, hoa cây cảnh và một số công trình hạ tầng khác phục vụ sản xuất nông nghiệp, do chưa có quy định cụ thể trong Nghị định cho nên rất khó khăn cho công tác xác định đơn giá hỗ trợ cụ thể cho người dân.
Tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có chính sách khoanh nợ, gia hạn thời gian vay vốn, tiếp tục cho vay vốn ưu đãi đối với các hộ sản xuất, kinh doanh bị thiệt hại…