Phù Cừ năng động trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Nhờ năng động, sáng tạo, đặc biệt là sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới đã đưa Phù Cừ, huyện khó khăn ở tỉnh Hưng Yên, đến nay cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, với diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, khang trang.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân xã Tam Đa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng vải lai chín sớm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân xã Tam Đa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng vải lai chín sớm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Bùi Xuân Thành, xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, cho biết: Con đường thôn Đoàn Đào trước đây là con đường trải đá cộn, nhỏ, hẹp, gồ ghề, đi lại khó khăn; nhất là sau những trận mưa lớn. Khi thôn, xã triển khai xây dựng nông thôn mới, nhân dân đồng tình ủng hộ hiến đất, cải tạo, nâng cấp mở rộng gần gấp hai lần đường cũ và được trải nhựa; đến giai đoạn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, con đường này tiếp tục được nâng cấp trải nhựa át-phan, có hệ thống tiêu thoát nước hai bên đường, đã giúp hoạt động giao thông trên địa bàn thuận lợi. Nhân dân rất phấn khởi và hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Đoàn Đào.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phan Sào Nam Nguyễn Hữu Long chia sẻ: Phan Sào Nam là cái nôi của “vải trứng Hưng Yên” cho nên xã đã chọn khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới là tổ chức sản xuất, đúng ý nguyện của nhân dân, vì vậy công cuộc chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng vải trứng đã thành công. Đến nay, diện tích vải trứng của xã đã lên tới 250 ha, mang lại thu nhập khoảng 600 triệu đồng/ha/năm. Đây chính là lợi thế nổi trội để xã Phan Sào Nam được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu về tổ chức sản xuất và hơn cả là cuộc sống của người dân được ấm no, đủ đầy.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phù Cừ lần thứ 26, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết đại hội đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành bảy nghị quyết chuyên đề; trong đó, có Nghị quyết số 200-NQ/HU ngày 16/4/2021 về Chương trình Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu huyện Phù Cừ, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phù Cừ

Vũ Xuân Thủy cho biết: Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, lãnh đạo và các cán bộ, đảng viên trong huyện luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo; nhất là sự vào cuộc bám sát cơ sở và tình hình thực tiễn ở địa phương, với phương châm cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân và là đầu tàu gương mẫu, bám sát đến từng hộ để “cầm tay chỉ việc” chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, huyện Phù Cừ đã lựa chọn bước đi, cách làm phù hợp điều kiện của từng địa phương.

Huyện chọn quy hoạch vùng sản xuất là khâu đột phá; lấy việc thực hiện chuyển đổi lại cơ cấu, phương thức sản xuất để nâng cao hiệu quả là then chốt. Trong sản xuất công nghiệp, dịch vụ chọn những sản phẩm, nghề là thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, giao thông, điện nước, đào tạo nhân lực, dạy nghề... để khuyến khích phát triển nâng cao thu nhập cho người dân. Trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn, huyện ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; trong đó, chọn giao thông nông thôn là khâu đột phá, bắt đầu từ đường thôn, xóm, liên thôn, liên xã tạo tiền đề thuận lợi trong phát triển kinh tế; chọn việc thường xuyên nâng cấp trường lớp học, trạm y tế và các công trình phúc lợi văn hóa, xã hội làm tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục, người dân có thể tiếp cận, tham gia nhiều hơn các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và nâng cao sức khỏe. Trong bảo vệ môi trường, các địa phương xác định nhân tố quan trọng nhất, quyết định nhất là nâng cao ý thức của người dân trong phân loại, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt; từ sạch nhà, sạch ngõ đến sạch đường làng, ngõ xóm; tích cực tham gia các hoạt động trồng cây, bảo vệ môi trường,…

Với sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, cùng sự đồng thuận của nhân dân, huyện Phù Cừ đã huy động vốn trực tiếp gần 10.000 tỷ đồng cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới toàn huyện từ năm 2011 đến hết năm 2023, trong đó, giai đoạn 2011-2019 hơn 4.326 tỷ đồng, giai đoạn 2020-2023 hơn 5.634 tỷ đồng. Phù Cừ xây dựng các vùng cây ăn quả đặc sản giá trị cao, với tổng diện tích hơn 3.000 ha; trong đó nổi tiếng nhất là quả vải trứng, vải lai chín sớm, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị thu bình quân một héc-ta canh tác năm 2023 đạt 225 triệu đồng. Huyện đã quy hoạch và triển khai hình thành các cụm công nghiệp như: Quán Đỏ-Đoàn Đào; Trần Cao-Quang Hưng và Đình Cao. Hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư đồng bộ, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế.

Những đột phá nêu trên đã đưa kinh tế của huyện Phù Cừ tăng trưởng nhanh, năm 2022 tăng 11%; năm 2023 tăng 13,6%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 82 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 1,0%; 100% số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 82,65% số hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ các nhà máy cấp nước sạch tập trung; hơn 87% tổng số hộ gia đình tham gia thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình… Đến nay, huyện Phù Cừ đã có 12/13 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; 6/13 xã kiểu mẫu; huyện Phù Cừ đạt 9/9 tiêu chí theo bộ tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Kết quả điều tra đánh giá sự hài lòng của người dân tại các xã đề nghị công nhận nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Phù Cừ thực hiện trong giai đoạn 2020-2023 có hơn 98,7% số hộ dân được hỏi hài lòng về kết quả xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đây là một kết quả rất tích cực, phản ánh sự đồng thuận và ủng hộ cao của cộng đồng dân cư nông thôn đối với chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở huyện Phù Cừ ■