Xã An Sinh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 1.000 ha, trong đó diện tích trồng na là 450 ha, chiếm tới 45% tổng diện tích trồng na của cả thị xã. Cây na được nông dân xã đầu tư trồng thâm canh và duy trì từ nhiều năm nay cho thu nhập ổn định từ 180 tới 200 triệu đồng/ha.
Anh Nguyễn Văn Đông ở thôn Đìa Sen, xã An Sinh cho biết: “Với gần 1 ha trồng na, trong đó chủ yếu là cây na bở, giá bán cao hơn nhiều so với cây na dai cho nên mỗi năm cho thu nhập gần 300 triệu đồng, giúp gia đình tôi có kinh tế để xây nhà cửa khang trang, con cái được học hành, cuộc sống đã tốt hơn trước rất nhiều”.
Hiện nay, cây na được trồng tại 14/21 phường, xã và được chia làm hai vùng trồng, trong đó vùng chủ lực tại các xã Bình Dương, Việt Dân, Tân Việt và An Sinh; vùng hai gồm xã Tràng An, Bình Khê và Tràng Lương. Do thời tiết ủng hộ cho nên sản lượng na năm 2024 ước tính đạt gần 11.000 tấn, năng suất 110 tạ/ha. Trong thời điểm cho thu hoạch chính vụ giữa tháng 8 vừa qua, giá bán khoảng 45.000 đến 50.000 đồng/kg, doanh thu khoảng 300 tỷ đồng.
Phát huy lợi thế về đất đai vườn đồi phù hợp với cây ăn quả, những năm qua, xã An Sinh không chỉ duy trì và xây dựng được thương hiệu cây na mà còn mạnh dạn đưa những giống cây trồng mới có giá trị vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp; góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo trở thành hộ khá giả nhờ trồng cây ăn quả.
Ông Ngô Đức Trí ở thôn Bãi Dài, xã An Sinh, chia sẻ: “Ngay từ đầu, ý tưởng đổi mới sản xuất của tôi là phải tìm những loại cây trồng mới, có giá trị cao và chưa có để trồng. Rất may mắn khi được bạn bè chia sẻ giống nho sữa Hàn Quốc, sau đó tôi cũng đã đi thực tế thăm mô hình trồng giống cây này ở trong nước và năm 2022, tôi quyết định đầu tư trồng gần một héc-ta nho sữa Hàn Quốc. Giống cây này ưa khí hậu khô và không được nóng quá cho nên tôi đầu tư toàn bộ nhà màng, kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt tự động để cây luôn phát triển ổn định. Quá trình làm, tôi luôn theo dõi xem cây có phù hợp với khí hậu cũng như thổ nhưỡng không, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn cũng như các kênh thông tin khác để được hỗ trợ, tư vấn về kỹ thuật”.
Hiện tại, sau hơn hai năm triển khai, vườn nho của gia đình ông Ngô Đức Trí phát triển khá tốt, dự kiến năm nay thu hoạch được khoảng 10 tấn với giá dự kiến hơn 300.000 đồng/kg. Phát huy tiềm năng đất đai và kinh nghiệm đã có, gia đình ông Trí tiếp tục mở rộng diện tích trồng nho sữa thêm hai héc-ta trồng trong thời gian tới.
Ngoài giống nho sữa Hàn Quốc, một số hộ dân ở thôn 3 cũng đã trồng thành công giống nho Hạ đen được nghiên cứu và chuyển giao bởi Trường đại học Nông-Lâm Bắc Giang và đến nay đã bước sang năm thứ hai cho thu hoạch sản phẩm. Giống cây này ưa nắng và cần giữ ẩm tốt cho nên khi đưa vào trồng khá phù hợp. Hiện nay, các mô hình trồng nho trên đất An Sinh đều được các hộ dân ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, đầu tư hệ thống nhà màng, kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm để kích thích cây nho sinh trưởng, phát triển tốt.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hoàng Xuân Nam cho biết: “Địa phương vẫn đang tiếp tục duy trì và phát triển cây na với tổng diện tích 175 ha đang sản xuất theo quy trình VietGAP. Cùng với đó là trồng các giống nho với tổng diện tích 1,4 ha. Sau một thời gian trồng thử nghiệm, theo đánh giá của các hộ dân, cây nho sữa Hàn Quốc và cây nho Hạ đen khá phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương. Hiện nay xã tiếp tục định hướng chọn một số giống cây trồng chủ lực để đưa vào ứng dụng công nghệ phát triển sản xuất trên địa bàn để đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp”.
Bên cạnh cây trồng chủ lực là na với diện tích 450 ha, việc nghiên cứu, đưa cây nho vào phát triển cũng mở ra hướng mới nhằm đa dạng hóa cây ăn quả trên địa bàn, phấn đấu nâng mức thu nhập của người dân từ 78,2 triệu đồng/người năm 2023 lên 86,7 triệu đồng/người trong năm 2024.
Phát huy lợi thế của vùng đất bãi phì nhiêu, màu mỡ, phù hợp với các loại hoa, những năm qua, nhân dân phường Hồng Phong đã mạnh dạn chuyển đổi những khu đồng trũng, đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại hoa, nhiều nhất là hoa huệ, góp phần thực hiện thành công chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của thị xã.
Từ cuối năm 2023 đến nay, Hợp tác xã Thiên đường Thiên Mục Hoa đã liên kết sản xuất, hình thành vùng trồng hoa lớn với tổng diện tích quy hoạch lên đến 80 ha. Đến nay, hợp tác xã đã trồng được 40 ha hoa các loại, trong đó có 15 ha hoa sen, hai héc-ta hoa thiên lý, 17 ha hoa huệ.
Gia đình bà Nguyễn Thị Đương ở khu Bình Lục Hạ, phường Hồng Phong, hiện trồng hơn ba mẫu sen lấy hoa và sen lấy hạt. Với giá bán tương đối cao, từ 3.000 đến 4.000 đồng/bông hoa sen và từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg hạt sen tùy thời điểm, đầm sen đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình với mức thu nhập từ sen hơn 200 triệu đồng/năm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Đông Triều Nguyễn Văn Ngoãn cho biết: “Xây dựng và phát triển các vùng sản xuất cây trồng chủ lực, có lợi thế là một trong những giải pháp trọng tâm trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương trong thời gian qua. Với cách làm này, các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt đã được bà con nông dân đưa vào canh tác, góp phần khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản”.