Giao Thủy là huyện miền biển, có diện tích tự nhiên 238,24 km2, với 18 xã, 2 thị trấn, là nơi sinh sống của gần 190.300 người. Mảnh đất này được bồi đắp, hình thành từ phù sa màu mỡ, với hệ sinh thái đa dạng. Dưới bàn tay lao động cần cù, sáng tạo chinh phục thiên nhiên của biết bao thế hệ người dân, Giao Thủy đã từng bước xây dựng, phát triển toàn diện.
Đáng ghi nhận là những năm gần đây, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng, sôi nổi khắp làng quê, nhờ đó diện mạo nông thôn được đổi mới, ngày càng khang trang, sạch, đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng lên; hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm.
Chúng tôi về thăm xã Giao Phong để tìm hiểu về cách làm và kết quả xây dựng nông thôn mới theo phương châm "Làm từ nhà ra đồng ruộng, từ xóm lên xã, từ xã lên huyện", người dân thực sự vào cuộc và là chủ thể của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Giao Phong Bùi Văn Sơn cho biết: Từ một xã nghèo ven biển, Giao Phong trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Nam Định là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt trong xây dựng nông thôn mới của lãnh đạo các cấp; sự đồng lòng của người dân. Năm 2011, bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Giao Phong mới chỉ có 7 tiêu chí đạt. Với phương châm "làm đến đâu, chắc đến đó", xã từng bước tháo gỡ những khó khăn, hoàn thiện dần các tiêu chí chưa đạt. Nhờ vậy, chỉ sau 4 năm xây dựng nông thôn mới, xã Giao Phong đã cán đích. Tiếp đó, xã được huyện tin tưởng, lựa chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Đồng chí Bùi Văn Sơn cho rằng: Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đem đến luồng gió mới, làm thay đổi bộ mặt làng quê xã Giao Phong. Đơn cử, trước đây, đường giao thông chủ yếu là đường đất, rải đá dăm. Sau khi xây dựng nông thôn mới, hệ thống đường giao thông đã được nâng cấp, mở rộng, nhựa hóa, có đầy đủ biển báo, vạch kẻ đường, điện chiếu sáng; đường quê bây giờ không thua kém thành phố. Xã Giao Phong đang xây dựng xã nông thôn mới thông minh; phấn đấu đến năm 2025 xây dựng thành công xã nông thôn mới thông minh bảo đảm 3 trụ cột "chính quyền số", "kinh tế số" và "xã hội số".
Về kết quả chung của huyện, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Giao Thủy Nguyễn Tiến Tùng cho biết: Đến nay toàn huyện đã có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó xã Giao Phong là một trong 9 xã của cả nước được chọn thực hiện thí điểm Mô hình xã nông thôn mới thông minh do Trung ương chỉ đạo thực hiện thuộc Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021-2025. Giao Thủy là huyện đầu tiên của tỉnh Nam Định và là một trong 10 huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 tại Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 2/8/2024.
Điều dễ nhận thấy nhất khi về với Giao Thủy hiện nay là các tuyến đường huyện, đường liên xã, trục xã, đường ngõ, xóm, đường trục chính nội đồng được mở rộng, làm mới và cứng hóa, tăng 15% so với năm 2017; hệ thống điện chiếu sáng bằng cột đúc, đèn led trên các tuyến đường có ở 95% thôn, làng, khu dân cư, tăng hơn 80% so với năm 2017; 100% các xã, thị trấn có nhà văn hóa.
Từ huyện đến xã và ở từng xóm, tổ dân phố, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển với nhiều thành tích nổi trội. Các khu thể thao, khu vui chơi công cộng được bố trí lắp đặt các trang thiết bị, dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tập luyện thể thao, vui chơi, giải trí cho nhân dân.
Theo đồng chí Nguyễn Tiến Tùng, đáng mừng nhất là đời sống nhân dân hiện đã được cải thiện, nâng cao hơn nhiều. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 84,46 triệu đồng/người/năm, gấp hơn 4 lần so với năm 2010; hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,77%; hộ cận nghèo còn 3,01%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,80%.
Trên địa bàn huyện Giao Thủy đã hình thành được nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp mang tính dẫn dắt, lan tỏa, tạo sự thay đổi về tư duy sản xuất của người dân như: Tích tụ ruộng đất thành các cánh đồng lớn, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hữu cơ; nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, ngao sạch...
11 vùng trồng lúa tập trung với tổng diện tích 395 ha, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định cấp mã số vùng trồng; đứng đầu tỉnh về số lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP với 105 sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm có gắn mã điện tử phục vụ truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt đạt 138,57 triệu đồng, tăng 25 triệu đồng so với năm 2017.
Bên cạnh đó, huyện Giao Thủy còn có các khu, cụm công nghiệp, trong đó đã tích hợp vào Quy hoạch tỉnh 6 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 2.000 ha, lớn nhất là Khu công nghiệp Hải Long diện tích 1.100 ha. Giao Thủy hiện là nơi thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn, tạo tiền đề và động lực quan trọng để kinh tế của huyện bứt phá tăng trưởng.
Giao Thủy đang tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa nông thôn; phấn đấu được công nhận huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025; góp phần đưa Giao Thủy phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành cực động lực phía đông nam của tỉnh Nam Định.