Nhân rộng mô hình sản xuất nông sản an toàn

Những năm gần đây, nông dân tỉnh Nam Ðịnh chú trọng sản xuất nông sản an toàn theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, với đa dạng các sản phẩm như gạo, rau, củ, quả, thịt lợn, thịt gà... và hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ðồng hành cùng nông dân trong lĩnh vực này, Hội Nông dân tỉnh Nam Ðịnh đóng vai trò thúc đẩy tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân xã Hồng Quang, huyện Nam Trực (Nam Ðịnh) thu hoạch lúa chất lượng cao vụ xuân 2024.
Nông dân xã Hồng Quang, huyện Nam Trực (Nam Ðịnh) thu hoạch lúa chất lượng cao vụ xuân 2024.

Bà Trần Thị Huệ, Trưởng ban Kinh tế-xã hội Hội Nông dân tỉnh Nam Ðịnh cho biết: Ðể thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, phát triển toàn diện nền nông nghiệp, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực vào cuộc, bằng việc ban hành một nghị quyết về vận động nông dân sản xuất nông sản an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị; vận động hội viên, nông dân ký cam kết sản xuất nông sản an toàn, thực hiện “3 không”: không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt; không dùng chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm; không tiêu dùng thực phẩm bẩn.

Bên cạnh đó, Hội phổ biến, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn; sản phẩm mang đậm nét truyền thống, đặc sản của địa phương; vận động nông dân đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thực hiện tốt liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và Nhà nước), giúp các sản phẩm tiếp cận và đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, hướng tới cấp quốc gia, đưa các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tới tay người tiêu dùng.

Các nông sản an toàn tiêu biểu của Nam Ðịnh hiện nay có thể kể đến: gạo sạch Toản Xuân, nông sản sấy Minh Dương, ngao sạch Lenger, thủy sản Thành Vui, mật ong Danh Vị, muối sạch Nam Ðịnh, giò 7 phút Nam Phát...

Cũng theo bà Trần Thị Huệ, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh còn đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu; tập trung bồi dưỡng những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín để xây dựng các mô hình và là đầu mối liên kết, hợp tác các hội viên sản xuất cùng một loại sản phẩm theo hướng hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường. Hội tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng chế phẩm sinh học, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; mô hình các nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp sản xuất nông sản theo chuỗi.

Ðến nay, toàn tỉnh Nam Ðịnh đã có 200 mô hình kinh tế tập thể với gần 3.000 thành viên tham gia; nhiều mô hình đi vào hoạt động có hiệu quả, gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao giá trị của hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung.

Trong 5 năm gần đây, Hội Nông dân tỉnh Nam Ðịnh trực tiếp triển khai xây dựng được 11 mô hình liên kết có hiệu quả rõ nét và có tính lan tỏa như: mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ngô nếp lai (F1) HN88, hỗ trợ và củng cố hợp tác xã; mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cá trắm đen; mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gia cầm, hỗ trợ và củng cố hợp tác xã; mô hình chăn nuôi lợn sinh học...

Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân tỉnh Nam Ðịnh đã vận động hội viên nông dân tham gia 39 mô hình liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị và các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo mô hình “cánh đồng lớn” cho hiệu quả kinh tế cao. Ðiển hình là mô hình doanh nghiệp liên kết với nông dân tập trung ruộng đất sản xuất gạo sạch theo chuỗi giá trị, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn của Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân.

Ông Trần Quốc Toản, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân chia sẻ, nhờ có các cấp Hội Nông dân hỗ trợ mà mô hình liên kết tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa do công ty khởi xướng được triển khai khá thuận lợi, đến nay đã có đầu mối liên kết ở các huyện trong tỉnh, vươn ra tỉnh ngoài với hàng chục hợp tác xã nông nghiệp tham gia trồng lúa chất lượng cao.

Công ty đầu tư toàn bộ giống, phân bón, kỹ thuật canh tác cho nông dân thông qua hợp tác xã và trực tiếp các hộ có diện tích lớn từ 5 ha trở lên; thu mua toàn bộ lúa tươi ngay sau khi thu hoạch, đưa về sấy, bảo quản, chế biến tại nhà máy chế biến gạo với công nghệ hiện đại hàng đầu Việt Nam. Các khâu trong quy trình sản xuất đều được giám sát chặt chẽ và được thể hiện cụ thể trong hợp đồng liên kết sản xuất; sản phẩm gạo được định danh giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc chi tiết đến các hộ sản xuất quy mô lớn, các hợp tác xã.

Ông Ðỗ Khắc Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Thành (xã Ðồng Sơn, huyện Nam Trực) cho biết: Hợp tác xã hiện đang liên kết với 2 đơn vị, trong đó có Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân; đầu vụ sản xuất, thành viên của hợp tác xã được công ty cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; cuối vụ, công ty thu mua thóc tại ruộng, giá thu mua luôn cao hơn so với thị trường từ 10-15%.

Mô hình liên kết này đã giúp các thành viên hợp tác xã yên tâm sản xuất lúa trên đồng ruộng quê hương, bảo đảm yêu cầu về chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích sản xuất càng lớn lợi nhuận càng cao. Hiện nay, diện tích sản xuất lúa chất lượng cao của hợp tác xã đã mở rộng lên 440 mẫu và đang tiếp tục mở rộng thêm.

Theo đánh giá của chính quyền tỉnh Nam Ðịnh, chính sự tích cực của nông dân và hiệu quả của những mô hình liên kết sản xuất nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh đã thúc đẩy phát triển nông thôn bền vững, chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Tỉnh đang tích cực khuyến khích, tạo điều kiện để nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, hướng đến xây dựng thành công nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.