Bình Liêu nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao

Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) là huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên trên cả nước hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào canh tác đã nâng cao sản lượng lương thực cho đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu.
Ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào canh tác đã nâng cao sản lượng lương thực cho đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu.

Xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm mở đầu, không có điểm kết thúc, trên cơ sở phát huy mạnh mẽ những kết quả đạt được sau hơn 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Bình Liêu đang quyết tâm, nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Xác định phát triển kinh tế là động lực để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, vì vậy xã Húc Động (huyện Bình Liêu) đã đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, vận động nhân dân đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao và có lợi thế của xã, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch.

Nhiều mô hình liên kết trong sản xuất được hình thành, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội. Các chương trình, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đem lại hiệu quả thiết thực đã được người dân và doanh nghiệp hưởng ứng tích cực, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, miền núi.

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư hệ thống cấp nước sạch, dự án sửa chữa kênh, mương, thủy lợi, kiên cố hóa đường dân sinh, hỗ trợ xây dựng nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh cũng được xã quan tâm đầu tư thỏa đáng, phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội.

Năm 2014, anh La A Nồng ở thôn Nà Ếch, xã Húc Động, đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Phát triển Đình Trung với ngành nghề chính là sản xuất và kinh doanh miến dong. Sau gần 10 năm thành lập, hợp tác xã của anh Nồng mỗi năm tiêu thụ từ 500 đến 600 tấn dong củ nguyên liệu, sản xuất từ 10 đến 20 tấn miến dong thành phẩm, doanh thu đạt khoảng 2 tỷ đồng và lợi nhuận đạt từ 200 đến 250 triệu đồng.

Cùng với sản xuất miến dong, anh Nồng còn trồng nhiều héc-ta cây hồi và quế, mỗi năm cho thu nhập từ 500 đến 600 triệu đồng. Hiện nay, anh Nồng đã xây được ngôi nhà khang trang, hiện đại, mua ô-tô làm phương tiện đi lại và trở thành hộ tiêu biểu về phát triển kinh tế của xã.

Bí thư Đảng ủy xã Húc Động Lài Thị Hiền cho biết: “Với những kết quả đã đạt được, thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn xã sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chung sức, chung lòng, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, xây dựng quê hương Húc Động ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh, giàu bản sắc; phấn đấu đến hết năm 2025, xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; góp phần xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2025”.

Khi giao thông được kết nối, cùng với các nguồn hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bình Liêu đã chủ động chăm lo phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất và hiệu quả kinh tế cao như: hồi, quế, sở, thông mã vĩ, cá tầm, cá hồi…

Nhiều giống cây trồng, vật nuôi đạt năng suất cao, chất lượng tốt, nhiều mô hình sản xuất hàng hóa đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn, từng bước thay thế tập quán sản xuất lạc hậu, quảng canh, tạo sản phẩm nông nghiệp đặc trưng riêng có của huyện. Đáng chú ý, các tiến bộ khoa học-kỹ thuật đã được người dân, doanh nghiệp áp dụng hiệu quả trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi và mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân khu vực nông thôn, miền núi.

Anh Trần Văn Thoòng, thôn Khe Lánh, xã Vô Ngại cho biết: “Trước đây gia đình tôi thuộc hộ nghèo, từ khi có các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, tôi đã quyết tâm phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Gia đình tôi đã chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, kết hợp nuôi gà theo mô hình gia trại và mô hình này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”.

Cũng chung niềm vui khi được các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến địa phương quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, bà Chíu Nhì Múi ở thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn phấn khởi cho biết: “Được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp đường giao thông thôn, bản, đến tận khu vực rừng sản xuất góp phần giảm bớt những khó khăn, vất vả nên người dân rất phấn khởi, nhất là con em được đến trường học thuận tiện, an toàn hơn. Giao thông thuận lợi thúc đẩy giao thương vùng miền phát triển, từng bước nâng cao đời sống kinh tế của nhân dân trong xã”.

Sau hơn 13 năm nỗ lực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia, huyện miền núi, dân tộc, Bình Liêu đã có sự bứt phá ngoạn mục trong hành trình xây dựng nông thôn mới với thu nhập bình quân đầu người đạt gần 70 triệu đồng/năm, tỷ lệ nghèo đa chiều còn 0,84%; hệ thống hạ tầng giao thông cùng các thiết chế văn hóa mới dần được hoàn thiện đã góp phần kéo giảm khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, miền núi và đồng bằng và mở ra tương lai phát triển mới cho vùng đất này.

Bí thư Huyện ủy Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho biết: “Bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, huyện xác định chuyển dần từ lượng sang chất, để thực hiện thành công những chủ trương, định hướng quan trọng của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh vùng dân tộc thiểu số; phấn đấu đến năm 2025 thu nhập của người dân trên địa bàn huyện bình quân đạt 100 triệu đồng/người/năm”.

Những thành quả trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện miền núi, dân tộc Bình Liêu là minh chứng cho những chủ trương, quyết sách đúng đắn mà tỉnh Quảng Ninh triển khai thời gian qua. Hơn hết, đây là kết quả từ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự chủ động, nỗ lực của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; là nền tảng để huyện Bình Liêu tiếp tục chặng đường nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.