Hà Nội bàn các giải pháp phát triển khu công nghiệp và phòng, chống cháy nổ

Chiều 28/9, Thường trực Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban quý III/2022 với lãnh đạo quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến, về tiến độ các dự án phát triển khu, cụm công nghiệp và tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị chiều 28/9.
Quang cảnh hội nghị chiều 28/9.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, đến nay Hà Nội có 10 khu công nghiệp đã thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất 1.347,4ha.

Trong đó, có 9 khu với diện tích 1.270,5ha đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%; khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội giai đoạn 1 với diện tích 76,9ha đã hoàn thiện hạ tầng và thu hút được 2 dự án.

Đối với việc triển khai cụm công nghiệp, hiện Hà Nội có 70 cụm đang hoạt động, trong đó có 49 cụm phù hợp với quy hoạch tiếp tục đưa vào quy hoạch để tiếp tục hoạt động, phát triển và 21 cụm không phù hợp quy hoạch được giữ nguyên hiện trạng để hoạt động, từng bước có lộ trình để chuyển đổi trước năm 2030.

Hiện, các cụm công nghiệp đang hoạt động ổn định và có xu hướng tiếp tục phát triển, thu hút được 4.169 hộ sản xuất, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh, thu hút gần 80.000 lao động.

Về công tác phòng, chống cháy nổ, Giám đốc Công an thành phố Nguyễn Hải Trung cho biết, 9 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố xảy ra 288 vụ cháy, khiến 20 người chết, 16 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 18,1 tỷ đồng.

Cơ quan công an đã kiểm tra định kỳ, đột xuất 28.943 lượt cơ sở và phát hiện 2.870 tồn tại, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy. Từ đó, lực lượng chức năng ban hành 2.165 công văn kiến nghị yêu cầu cơ sở khắc phục, xử phạt 17,8 tỷ đồng; tạm đình chỉ hoạt động 355 cơ sở và đình chỉ hoạt động 375 cơ sở.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế về quá trình đầu tư, xây dựng và quản lý các khu, cụm công nghiệp cũng như công tác phòng, chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn.

Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao kết quả phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn với việc thu hút được nhiều nhà đầu tư uy tín, tạo việc làm cho hơn 246.000 người lao động.

Tuy nhiên, đồng chí cũng chỉ rõ, tiến độ đầu tư, xây dựng các khu, cụm công nghiệp mới còn chậm.

Đến nay, mới đầu tư được 6 cụm công nghiệp, còn lại 37 dự án cụm công nghiệp hầu hết đều chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng hoặc chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư.

Việc xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp cũng chưa được giải quyết căn cơ, triệt để. Tình trạng mất an ninh trật tự trong các khu, cụm công nghiệp như tín dụng đen, ma túy... vẫn xảy ra.

Để khắc phục những hạn chế, đồng chí đề nghị UBND thành phố tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư khu, cụm công nghiệp; thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại, bảo đảm cải cách tối đa các thủ tục hành chính; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kịp thời những vấn đề vượt thẩm quyền…

Bên cạnh đó, thành phố cũng cần nghiên cứu, tính toán việc thực hiện phân cấp, ủy quyền cho các địa phương, đơn vị thực hiện một số thủ tục đầu tư.

Đối với các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp ký cam kết bảo đảm tập trung nguồn lực để dự án hoàn thành đúng tiến độ, hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường.

Đối với công tác phòng cháy, chữa cháy, đồng chí yêu cầu bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, các cấp, các ngành của thành phố phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong công tác tổ chức thực hiện phòng cháy, chữa cháy…

Đặc biệt, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy.