Xập xệ và quá tải
Bệnh viện Ða khoa Xanh Pôn được xây dựng từ năm 1911, lúc đầu là nơi khám chữa bệnh cho người Pháp và người Việt giàu có. Từ năm 1956, Bệnh viện Xanh Pôn trở thành bệnh viện công lập, tiếp nhận và điều trị cho cán bộ và nhân dân Hà Nội. Cho đến nay, Bệnh viện Ða khoa Xanh Pôn được công nhận là bệnh viện hạng I của Thủ đô, với bốn chuyên khoa đầu ngành, gồm 570 giường bệnh, 43 khoa phòng, một khu khám bệnh. Phần lớn đội ngũ cán bộ, bác sĩ của bệnh viện đều có chuyên môn cao, thái độ phục vụ tốt, cho nên bệnh viện là cơ sở khám, chữa bệnh uy tín ở Thủ đô, hằng ngày không chỉ khám, chữa bệnh và chăm sóc khám sức khỏe cho nhân dân Thủ đô, mà còn tiếp nhận rất nhiều người bệnh từ các tỉnh, từ các tuyến dưới chuyển về. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của bệnh viện còn nhiều bất cập. Ngoài khối nhà bốn tầng phía giáp đường Trần Phú là công trình mới được xây dựng cách đây hơn mười năm, tất cả các khối nhà còn lại của các khoa Xương, Tiết niệu, Nội 1, Giải phẫu bệnh lý, Phục hồi chức năng, Xét nghiệm, Nội 2, Dược, Ðông y..., đều là công trình được xây dựng cách đây hơn 100 năm, nay đã xuống cấp nghiêm trọng.
Các khu nhà này được xây dựng theo kiến trúc Pháp, tường chịu lực, trần vôi rơm, mái ngói kết hợp với hệ xà-gồ, cầu phong, li-tô gỗ. Ðến nay, tường đã rạn nứt nhiều. Vữa trát bị mục, bong tróc, ẩm mốc. Hệ trần vôi rơm thường xuyên bị dột thấm, có thể đổ ụp bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm cho người bệnh. Mái ngói bị hư hỏng, cứ trời mưa to là dột. Sàn nhà qua nhiều lần cải tạo lẫn nhiều loại gạch khác nhau, phần lớn đã bị nứt, vỡ, bong, rộp. Hệ thống điện, nước trong toàn nhà cũng bị hỏng hóc, rò rỉ.
Khoa Nội 1 có 40 giường bệnh, nhưng số người bệnh điều trị tại khoa lúc nào cũng vượt số giường bệnh, có ngày cao điểm lên đến 80-90 người. Tại buồng điều trị số 4 chỉ có sáu giường, nhưng có tới 22 người bệnh điều trị. Trưởng khoa Ðiều trị Nội 1 BS Trần Minh Hằng cho biết: "Khoa phải tận dụng mọi diện tích ở hành lang, thậm chí cả ở trong phòng trực của bác sĩ để kê thêm giường cho người bệnh nằm, thậm chí có giường phải "tải" năm người. Bác Ðào Thị Luận 69 tuổi, ở phường Ðội Cấn (quận Ba Ðình) đang điều trị tại đây cho biết, trong mười ngày vào điều trị tại đây, bác đã phải chuyển giường ba lần vì người bệnh quá đông, thường là hai, ba người nằm chung một giường. Bác Lê Thị Lan, nhà ở phường Phúc Tân, đang điều trị tại khoa Nội cho biết, đợt bão số 5 vừa qua, mưa to kéo dài khiến trần nhà bị dột, ẩm ướt, mọc rêu. Người bệnh phải kê lại giường, chỗ nằm hoặc thu gom đồ đạc, đi "tạm trú" sang khoa khác. Khi đi vào phòng vệ sinh mọi người cũng phải đội nón, đội mũ cho khỏi ướt đầu.
Khoa Xương cũng trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, ngày nắng thì nóng nực, ngày mưa thì dột nước. Nhiều người bệnh điều trị dài ngày tại đây phản ánh, mỗi khi mưa, họ phải lấy chậu hứng nước mưa trong phòng. Phòng hậu phẫu, phòng rửa dụng cụ, phòng vệ sinh... lúc nào cũng ẩm mốc, mọc rêu xanh. Ðiều dưỡng viên Ðỗ Thu Hạnh cho biết: "Cơ sở vật chất xập xệ không bảo đảm điều kiện vô trùng". Giám đốc Bệnh viện Ða khoa Xanh Pôn Nguyễn Phạm Ý Nhi cho biết, cơ sở vật chất của bệnh viện xuống cấp đã ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh. Dù trình độ chuyên môn, thái độ phục vụ của phần lớn cán bộ bệnh viện được đánh giá tốt, nhưng phần lớn người bệnh chưa hài lòng vì tình trạng quá tải, xuống cấp cơ sở hạ tầng của bệnh viện.
Cần tiến hành cải tạo ngay
Ðể khắc phục những bất cập nêu trên, Sở Y tế Hà Nội đã trình UBND thành phố Hà Nội dự án cải tạo, sửa chữa, tu bổ Bệnh viện Ða khoa Xanh Pôn, dự án đã được UBND thành phố phê duyệt, đang thực hiện triển khai. Theo thiết kế, dự án sẽ tiến hành cải tạo trần, mái, tường, sàn, cửa, nội thất, khu vệ sinh, hệ thống điện, cấp thoát nước của các khu nhà A1, B, D, sân hè, cây xanh, cổng, hàng rào, hệ thống cung cấp khí y tế, hệ thống thông tin liên lạc và tầng lửng nhà A3; xây mới nhà điều trị nội khoa bốn tầng và một tầng hầm (giảm hai tầng so với phương án cũ); nhà cầu hai tầng nối từ khu điều trị nội khoa sang các khu nhà A1, B, D; xây dựng nhà tạm để bảo đảm hoạt động bình thường của bệnh viện. Ðồng thời, đầu tư thiết bị công trình, thiết bị văn phòng, thiết bị y tế đồng bộ.
Do bệnh viện nằm ở khu vực trung tâm thành phố, có kiến trúc đặc thù, cho nên phương án thiết kế được nghiên cứu theo hướng giữ nguyên hình dạng kiến trúc cũ, chỉ sửa chữa những vị trí hư hỏng, cải tạo nội thất công trình và cải tạo hàng rào để cải thiện mặt đứng dọc phía mặt phố Nguyễn Thái Học. Công trình xây mới cao bốn tầng, có kiến trúc hài hòa với cảnh quan chung quanh, giữ nguyên những biểu tượng mang ý nghĩa tâm linh. Thời gian thực hiện dự án từ nay đến năm 2016. Mặt khác, theo Quy hoạch phát triển hệ thống y tế Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bệnh viện Ða khoa Xanh Pôn được giao xác định trở thành một bệnh viện kiểu mẫu, giỏi về chuyên môn, mạnh về nghiên cứu khoa học, là trung tâm ứng dụng thực hiện những kỹ thuật cao, chất lượng cao của ngành. Chính vì vậy, việc cải tạo, sửa chữa lại các dãy nhà đã xuống cấp của Bệnh viện Ða khoa Xanh Pôn là hết sức cấp thiết, để cải thiện điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện, giải quyết tình trạng quá tải của bệnh viện hiện nay, nhằm chăm sóc và điều trị cho người bệnh ngày một tốt hơn, từng bước xây dựng bệnh viện trở thành cơ sở y tế chất lượng cao không chỉ của Thủ đô mà còn của cả nước.