Ðẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch cúm A/H7N9

NDO - UBND thành phố Hà Nội vừa có công điện về phòng, chống dịch cúm A/H7N9 trên người. Thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng siết chặt kiểm tra, giám sát nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua  biên giới, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm; đẩy mạnh các hoạt động quản lý mua bán gia cầm và hạn chế tối đa việc lưu thông gia cầm không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc. Các địa phương giám sát chặt chẽ để phát hiện sớm các ổ dịch cúm gia cầm, kịp thời thông báo cho ngành y tế xử lý.

Sở Y tế phối hợp các đơn vị liên quan tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài giám sát hành khách, phương tiện và hàng hóa nhập khẩu; phát hiện trường hợp nghi ngờ phải tổ chức khám sàng lọc, cách ly và triển khai biện pháp hạn chế lây lan.

* Xử lý các vi phạm Luật Ðê điều

Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố vừa yêu cầu các địa phương kiểm tra công trình đê điều, hồ đập, công trình thủy lợi xong trước ngày 15-4; tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm; đẩy nhanh tiến độ tu bổ đê điều; xây dựng phương án phòng, chống lụt, bão và chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện theo phương châm bốn tại chỗ... Hiện nay, tình trạng vi phạm Luật Ðê điều, Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, với hơn 2.800 trường hợp vi phạm, nhưng việc phối hợp xử lý giữa cơ quan quản lý và chính quyền các cấp còn thiếu chặt chẽ. Công tác quản lý trật tự xây dựng ở một số quận, huyện còn lỏng lẻo, việc xử lý vi phạm không kịp thời, triệt để, kiên quyết dẫn đến vi phạm còn tái diễn. Một bộ phận nhân dân, lãnh đạo chính quyền và đơn vị còn tư tưởng chủ quan...    

* Tăng cường quản lý trật tự xây dựng

Ngày 10-4, UBND thành phố Hà Nội đã có công văn gửi Giám đốc Sở Xây dựng và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường quản lý trật tự xây dựng (TTXD) đô thị trên địa bàn. Thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã; phường, xã, thị trấn khẩn trương xây dựng kế hoạch, biện pháp tổ chức lực lượng phù hợp với tình hình mới để tăng cường quản lý TTXD trên địa bàn. Hiện tại, lực lượng thanh tra xây dựng vẫn tiếp tục chịu trách nhiệm về công tác quản lý TTXD theo thẩm quyền. Sở Xây dựng có trách nhiệm bố trí lực lượng Thanh tra Sở hỗ trợ, hướng dẫn Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; phường, xã, thị trấn  trong công tác này. Các địa phương cần huy động sự tham gia, giám sát của hệ thống chính trị, nhân dân địa phương nhằm ngăn chặn kịp thời các vi phạm.

* Nhiều doanh nghiệp tăng giá vé xe khách

Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết, đến nay, đã có năm doanh nghiệp gửi thông báo tăng giá vé xe khách gồm: Công ty TNHH Hưng Thành; Công ty CP Vận tải ô-tô Ninh Bình, Công ty Bảo Yến, HTX vận tải ô-tô Ninh Bình, Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội. Mức giá tăng từ 7 đến 27%, chủ yếu trên các tuyến đi các tỉnh tây bắc và một số tuyến ngắn từ Hà Nội đi  Ninh Bình, Nam Ðịnh. Cụ thể, giá vé tuyến Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Hà Giang đều tăng từ 180 nghìn đồng lên 220 nghìn đồng/vé; tuyến Hà Nội - Lai Châu tăng từ 300 nghìn đồng lên 320 nghìn đồng; tuyến Hà Nội - Tuyên Quang từ 80 nghìn đồng lên 100 nghìn đồng; tuyến Hà Nội - Kim Sơn (Ninh Bình) tăng từ 75 nghìn đồng lên 90 nghìn đồng.