Trên địa bàn Hà Nội đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn cháy, nổ từ ga. Chiều 26-1-2010, vụ nổ bình ga mi-ni tại một căn nhà trong ngõ 205, phố Bạch Mai khiến chủ nhà bị bỏng và dân cư chung quanh náo loạn. Nhiều quán ăn sử dụng ga cũng làm cho khách nhiều phen hú hồn. Khoảng 11 giờ 55 phút ngày 6-10-2009, tại nhà hàng "Hải sản ngon" ở số 199A đường Nghi Tàm (quận Tây Hồ), xảy ra vụ nổ bình ga làm gian bếp nhà hàng bị lửa thiêu cháy đen, cửa kính các phòng ăn kế bên bị vỡ, mảnh vụn bắn tứ tung. Trước đó, tại một nhà hàng trên đường Lê Ðức Thọ (huyện Từ Liêm) xảy ra vụ nổ bình ga làm hàng trăm thực khách nháo nhác bỏ chạy. Gần đây nhất, ngày 19-8, một vụ nổ cũng xảy ra tại nhà hàng bia Hải Xồm, ngõ 6, phố Vĩnh Phúc (quận Ba Ðình) do rò rỉ khí ga.
Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng ga phục vụ sản xuất, sinh hoạt ngày càng tăng vì loại nhiên liệu này khi đốt cháy, tỏa ra nhiệt lượng lớn, ít gây ô nhiễm môi trường. Các hộ gia đình thường nạp các bình ga trọng lượng từ 9 đến 50 kg, tùy theo nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Tuy nhiên, ga cũng là loại khí rất dễ cháy nổ nếu không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sử dụng. Ðáng báo động là ý thức và kiến thức về an toàn phòng, chống cháy nổ ga của một số hộ kinh doanh và người sử dụng còn hạn chế. Nhiều người vẫn không có thói quen khóa van an toàn sau khi sử dụng, trong khi việc này rất cần thiết vì ngăn chặn tình trạng rò ga trong trường hợp đai kẹp dây dẫn bị hỏng, dây ga thủng...
Có trường hợp, ga bị rò rỉ do nhân viên lắp đặt, thay bình thao tác không chuẩn. Nhiều gia đình nhiều năm sử dụng ga, nhưng chỉ biết tắt, bật, khi đổi bình ga không để ý đến năm sản xuất, thời hạn tái kiểm định, hễ có sự cố gì lại trông chờ vào đại lý ga, hiếm khi yêu cầu nhân viên giao ga tư vấn cách sử dụng an toàn. Trong khi đó, những kiến thức tối thiểu khi sử dụng ga lại mù mờ, dẫn đến sai lầm chết người. Ðơn cử, khi phát hiện mùi ga trong nhà, cần bình tĩnh khóa van an toàn bình ga, mở các cửa cho thông thoáng, dùng tay quạt bớt khí ga ra ngoài, tuyệt đối không bật bất cứ một vật gì phát ra tia lửa điện, bởi chỉ cần một tia lửa nhỏ có thể khiến cho khí ga bùng nổ. Mỗi kg ga hóa lỏng tương đương 25 lít khí ga. Ước tính, nếu ga rò rỉ chiếm từ 2% đến 10% khối tích nhà, gặp phải nguồn nhiệt sẽ lập tức phát nổ, sức công phá cực lớn... gây thiệt hại khôn lường về người và tài sản.
Nguy cơ rình rập hỏa hoạn còn xảy ra từ bình ga du lịch (bình ga mi-ni) sang nạp trái phép. Trưa 17-4-2009, vụ nổ bình ga tại một quán ăn trên đường Quốc Tử Giám (Ðống Ða) làm ba người bị thương do mảnh vỡ từ bếp và bình ga văng vào người. Chỉ vài ngày sau, một vụ nổ tương tự khác xảy ra tại một gia đình ở phường Bạch Ðằng (quận Hoàn Kiếm) làm năm người trong gia đình bị bỏng nặng. Theo quy định, bình ga du lịch được nhập khẩu dưới dạng đã nạp ga, chỉ được dùng một lần và không được phép chiết nạp lại. Trên các vỏ bình đều ghi rõ thành phần ga được nạp và tỷ lệ này phụ thuộc vào sức chịu áp suất của vỏ bình, bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Thông thường, những bình ga du lịch được nạp loại ga có tỷ lệ 95% butan và 5% propan, áp suất trong bình ở 4000C sẽ vào khoảng 3,2 kg/cm2. Nhưng khi tận dụng vỏ bình ga cũ để chiết nạp lại, các cơ sở nạp ga trái phép đã sử dụng loại ga trong các bình 12 kg và 45 kg sẵn có trên thị trường với tỷ lệ là 50% butan và 50% propan, hoặc 40% butan và 60% propan. Với tỷ lệ nói trên, cùng ở nhiệt độ 4000C áp suất hơi bão hòa trong bình sẽ tăng gấp nhiều lần, vượt quá áp suất cho phép của bình nên có thể gây ra cháy nổ bất cứ lúc nào. Thêm vào đó, các bình ga sử dụng nhiều lần thường bị hoen rỉ và bị bào mòn gây nguy hiểm cho cả người chiết nạp và người sử dụng. Vì ham rẻ, vẫn có nhiều người hám dùng bình ga nạp lại. Nhiều cơ sở vì lợi nhuận bất chấp các quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy, tận dụng các vỏ bình ga du lịch cũ, thực hiện bằng những dụng cụ thô sơ, tự chế. Trong quá trình chiết nạp, ga rò rỉ, khi gặp nguồn lửa, nguồn nhiệt sẽ gây cháy nổ với sức công phá lớn. Ðiển hình là vụ cháy nổ tại số nhà 124 phố Phùng Khắc Khoan, phường Quang Trung (thị xã Sơn Tây) làm một người bị thương, cháy hỏng ba bếp ga và 30 bình ga du lịch.
Ðể ngăn chặn những vụ tai nạn cháy, nổ từ ga, trước hết, người sử dụng phải là những người tiêu dùng thông thái để bảo vệ chính tính mạng của mình. Nên sử dụng những bình ga chính hãng, rõ nguồn gốc, các loại van, dây dẫn chất lượng tốt, chớ ham rẻ mà chuốc họa vào thân. Bên cạnh đó, cần chấp hành tốt các quy định bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, tìm hiểu và cập nhật thông tin để biết cách sử dụng ga an toàn và các tình huống xử lý khi xảy ra sự cố. Cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh ga, phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở sang nạp ga trái phép, kinh doanh các loại thiết bị ga kém chất lượng.