Quy hoạch-đầu tư

Quy hoạch tuyến phố hai bên cho những tuyến đường mới

Hà Nội đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị. Nhiều chuyên gia cho rằng, thành phố cần sớm tập trung đẩy nhanh phê duyệt đồ án thiết kế đô thị các tuyến phố.
0:00 / 0:00
0:00

Sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương thiết kế đô thị hai bên tuyến phố, đến nay, số đồ án được phê duyệt của Hà Nội vẫn rất khiêm tốn, là một trong những nguyên nhân khiến diện mạo đô thị còn lộn xộn, nhếch nhác. Đồ án đầu tiên được công bố và bàn giao cho quận Ba Đình vào năm 2013.

Đó là đồ án thiết kế đô thị, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan tuyến đường Trần Phú-Kim Mã (tỷ lệ 1/500). Sau đó, có thêm đồ án thiết kế đô thị tuyến đường được cống hóa mương nối từ phố Liễu Giai-Núi Trúc-Giang Văn Minh sang phố Sơn Tây, rồi tuyến phố Khâm Thiên (quận Đống Đa)... Những tuyến phố được phê duyệt thời kỳ đầu được cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, việc xây dựng mới được thực hiện theo đúng quy hoạch.

Việc phê duyệt đồ án thiết kế đô thị để chỉnh trang hai bên tuyến phố là cơ sở quan trọng để xử lý, ngăn chặn tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo” sau khi thực hiện dự án mở đường. Tuy nhiên, do sự chậm trễ trong khâu quy hoạch, cho nên đã có nhiều tuyến phố sau khi mở đường xuất hiện nhà “siêu mỏng, siêu méo”, như trên đường Phạm Văn Đồng, tuyến Vành đai 2,5, tuyến đường nối tiếp đường phía đông khu hành chính quận Hoàng Mai...

Thực tế, để ngăn chặn tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo” mọc lên sau mở đường, thành phố Hà Nội cũng như các quận đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tối ưu là hình thức hợp thửa, hợp khối, thu hồi các ô đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng để làm các công trình công cộng.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, do trị giá đất lớn, cho nên nhiều trường hợp không đồng tình ủng hộ. Giải pháp hữu hiệu nhất được giới chuyên gia quy hoạch, quản lý đô thị khuyến cáo là nên kết hợp mở đường và xây dựng tuyến phố hai bên.

Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, trong thời gian qua, ngành quản lý quy hoạch kiến trúc, xây dựng đô thị và các cấp chính quyền đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó bao gồm đẩy mạnh công tác thiết kế đô thị hoặc thiết kế chỉnh trang các tuyến phố.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là cải tạo chỉnh trang đơn thuần mặt ngoài tuyến phố, còn việc cải tạo theo chiều sâu, bài bản theo công cụ quản lý là đồ án thiết kế đô thị cơ bản chưa thực hiện được. Do đó, thành phố Hà Nội cần sớm lập kế hoạch rà soát hiện trạng công trình tại những khu vực giới hạn, đoạn tuyến, tuyến phố theo địa bàn nội đô, đẩy nhanh tổ chức lập và phê duyệt thiết kế chỉnh trang khu vực, mặt đứng các tuyến phố cần ưu tiên.

Để bộ mặt đô thị ngày càng hiện đại, văn minh hơn, nhất thiết phải có quy hoạch vỉa hè và phải hoàn thiện quy hoạch tuyến phố hai bên. Đây vừa là triển khai thực hiện Luật Kiến trúc, vừa là điều kiện để chính quyền cơ sở cấp phép, giám sát, quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng chặt chẽ, tạo dựng diện mạo đô thị văn minh, hiện đại hơn.