Cơ hội hóa giải áp lực đô thị

Trước tình trạng xen cấy các công trình hỗn hợp cao tầng tại khu vực trung tâm nội đô, khu đô thị mới, nhiều chuyên gia cho rằng, cần sớm xây dựng đồng bộ hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu, những công cụ để kiểm soát quy hoạch, xây dựng…, phát triển đô thị bền vững.
0:00 / 0:00
0:00

Xu thế tất yếu của đô thị hóa là phát triển công trình cao tầng có chức năng hỗn hợp tại khu vực trung tâm nội đô, nhưng việc bỏ qua giới hạn đáp ứng của mỗi khu đô thị sẽ dẫn tới hệ quả ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng xã hội... Nhiều chuyên gia đồng tình cho rằng, việc sớm thiết lập và hoàn thiện hệ thống các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, trong đó tính toán rõ định hướng phát triển và những chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể trong phát triển nhà cao tầng nói chung và công trình cao tầng hỗn hợp nói riêng có tính đến các hệ số dung nạp về giao thông, sử dụng đất, cân bằng với nhu cầu thương mại toàn khu là rất cần thiết. Bởi thực tế, Hà Nội đã và đang gánh chịu sức ép về vấn đề này tại các khu đô thị Linh Đàm, dọc đường Lê Văn Lương-Tố Hữu, trục Cầu Giấy-Xuân Thủy… Vậy nên, chỉ có thông qua các tiêu chí và chỉ tiêu trực tiếp như tổng diện tính sàn, chiều cao công trình, cùng những tiêu chí gián tiếp khác như diện tích bãi đỗ xe, khoảng lùi công trình, vị trí xây dựng..., mới giúp công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị bớt nóng.

Dẫu Hà Nội đang chịu những hệ quả từ việc phát triển nóng tại nội đô, song vẫn có cơ hội hóa giải một phần áp lực của đô thị hiện tại. Thời gian gần đây, các cấp, ngành của thành phố tích cực vào cuộc đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ. Đáng chú ý, Hà Nội thống nhất quan điểm cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể cũ theo hướng cao tầng, mật độ thấp; bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và các tiện ích công cộng, không gia tăng quy mô dân số trong khu vực.

Bàn về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, trước khi cấp phép xây dựng cần phải đánh giá tác động của khu cao tầng mới xen cấy vào môi trường đã ổn định của khu vực đó. Trước hết là đánh giá tác động về giao thông, rồi đến môi trường không khí, nước, rác thải, đến hệ thống điện nước, cứu hỏa, hạ tầng xã hội, kết nối cảnh quan, kiến trúc... Với góc nhìn tổng quát hơn, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trương Văn Quảng cho rằng, không phát triển đô thị theo hướng dàn trải, thiếu tập trung, mà nên phát triển khu đô thị ở khu vực phát triển đô thị có tính chiến lược, đột phá đã được xác định trong cấu trúc tổng thể của đô thị.

Trong tương lai, nhu cầu cải tạo, tái phát triển khu vực trung tâm nội đô của các đô thị lớn rất cần thiết và việc phát triển loại hình công trình cao tầng hỗn hợp trong khu vực trung tâm nội đô của các đô thị sẽ vẫn diễn ra. Tuy nhiên, nếu kiểm soát phát triển bền vững sẽ mang lại nhiều đóng góp lớn cho việc phát triển kinh tế-xã hội, tạo dựng bản sắc, hình ảnh đô thị, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.