Theo thống kê của Chi cục Ðê điều và phòng, chống lụt bão Hà Nội, từ năm 2008 đến năm 2011, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 1.542 vụ vi phạm Luật Ðê điều và Pháp lệnh Phòng chống lụt bão. Riêng ba tháng đầu năm nay, phát sinh 74 trường hợp vi phạm. Các vi phạm chủ yếu là lấn chiếm hành lang bảo vệ đê làm nhà ở, dựng xưởng, lều lán sản xuất, kinh doanh, dựng lò gạch, xây dựng các công trình trái phép trong chỉ giới thoát lũ... Ðáng lo ngại là tình trạng tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng ngoài bãi sông; san đổ phế thải lấn chiếm lòng sông, bãi sông với khối lượng lớn có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng đến việc thoát lũ và an toàn đê điều. Tuy nhiên, kết quả xử lý, giải tỏa các vi phạm còn nhiều hạn chế. Cho đến thời điểm này, các quận, huyện, thị xã mới xử lý được hơn 700 vụ, còn tồn đọng khoảng 850 vụ, trong đó có nhiều vụ vi phạm kéo dài.
Mới đây, qua kiểm tra tình hình vi phạm Luật Ðê điều và Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết luận nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng. Ðiển hình như Công ty cổ phần sản xuất và dịch vụ du lịch Chèm, Công ty cổ phần thương mại nam Thăng Long đã nhiều lần cải tạo, xây dựng nhà xưởng không phép trên khu vực bãi sông Hồng. Khu vực gầm cầu Thanh Trì bị đổ trộm phế thải khối lượng lớn. Bãi sông Hồng khu vực xã Hồng Thái, thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên) bị các hộ dân lấn chiếm, xây dựng lò gạch. Khu vực bãi sông Hồng phía hạ lưu cầu Nhật Tân, tương ứng từ K59+400 đến K59+600 xảy ra tình trạng đổ đất, xây dựng công trình trái phép...
Trước mùa mưa bão, chính quyền các quận, huyện đã tổ chức các đợt ra quân, xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vi phạm đã xảy ra từ hàng chục năm trước, cho nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Ðiển hình như Công ty cổ phần sản xuất và dịch vụ du lịch Chèm tại xã Liên Mạc (Xí nghiệp chế biến lâm sản Chèm trước đây) thành lập từ đầu những năm 1960. Toàn bộ phần đất của công ty nằm ngoài bãi sông, phía ngoài tiếp giáp với đê bối. Qua thời gian, nhiều công trình xây dựng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Sau khi cổ phần hóa vào năm 2004, công ty tiến hành nâng cấp, xây dựng lại hệ thống nhà xưởng. Ngoài ra, trong khu vực công ty có nhiều nhà dân, phần lớn là của công nhân, đang sinh sống ổn định hàng chục năm nay, khiến cho việc xử lý vi phạm của chính quyền rất lúng túng.
Tháng 4-2012, UBND phường Nhật Tân đã xây dựng kế hoạch xử lý các vi phạm đê điều trên địa bàn, nhất là khu vực người dân đổ trộm phế thải ở khu vực bãi sông Hồng. UBND phường đã tiến hành giải tỏa ba lều lán bán hàng và hai công trình ảnh hưởng hành lang thoát lũ tại khu vực cụm 4 và 5. Tuy nhiên, tại đây hiện tồn tại bãi kinh doanh vật liệu xây dựng quy mô lớn sát bờ sông, thuộc địa bàn phường Phú Thượng (khu vực giáp ranh với phường Nhật Tân), nhưng đường vào lại đi qua phường Nhật Tân. Vì thế công tác quản lý, giám sát các phương tiện qua lại địa bàn gặp khó khăn. Nhiều đối tượng đã lợi dụng vào đổ trộm phế thải. Ðể ngăn chặn tình trạng này, UBND phường lập phương án dựng hai chốt gác tại các tuyến đường đi ra khu vực cụm 4, cụm 5 bãi sông Hồng. Chốt một được bố trí tại ngã tư đê bối giao với đường cửa khẩu chợ Nhật Tân, chốt hai tại ngã tư đê bối giao với ngõ 264 Âu Cơ; chia làm ba ca trực. Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân Nguyễn Quang Ngọc cho biết, để bảo đảm hành lang tiêu thoát lũ trong mùa mưa lũ năm nay, chính quyền đã tiến hành thanh thải, hạ thấp cao trình từ 0,5 đến 0,7m; giải phóng bãi tập kết vật liệu. Các lực lượng chức năng của phường tăng cường tuần tra và đã phát hiện, xử lý hai phương tiện đổ phế thải không đúng nơi quy định. Ðến nay, tình trạng đổ phế thải tại khu vực này đã được ngăn chặn.
Nguyên nhân tình trạng nêu trên là do chính quyền các địa phương buông lỏng quản lý, chưa ngăn chặn và xử lý dứt điểm vi phạm. Trách nhiệm quản lý, xử lý, quy chế phối hợp của các ngành chức năng chưa rõ. Việc giao đất, cho thuê đất, cấp phép cho các hoạt động liên quan tại khu vực bãi sông, ven đê chưa chặt chẽ; ý thức chấp hành pháp luật đê điều của một số đơn vị, doanh nghiệp và người dân còn hạn chế...
Ðể ngăn chặn phát sinh các vi phạm mới, các cơ quan chức năng cần sớm triển khai việc cắm mốc chỉ giới hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ đê theo Quy hoạch phòng, chống lũ đã được thành phố phê duyệt. Tiến hành quy hoạch các khu vực bến bãi tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng; đầu tư xây dựng hệ thống đường hàng lang ven đê. Ðặc biệt, cần bố trí kinh phí và quỹ đất để di dời các hộ dân, đơn vị, công trình xây dựng nằm trong chỉ giới thoát lũ đã tồn tại trước thời điểm áp dụng Luật Ðất đai và Luật Ðê điều...
Bài và ảnh:NGỌC THANH