Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội

Bảo đảm sự phù hợp và tính kế thừa

Tại phiên thảo luận tại Quốc hội về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Điều chỉnh Quy hoạch chung), Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã báo cáo, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên thảo luận tại hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. (Ảnh ĐĂNG KHOA)
Phiên thảo luận tại hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. (Ảnh ĐĂNG KHOA)

Trả lời một ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ hơn về thời hạn và thời gian để bảo đảm đồng bộ giữa Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung với Quy hoạch Thủ đô, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, theo quy định của Luật Quy hoạch 2017, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, thì thời kỳ quy hoạch theo Luật Quy hoạch 2017 được xác định để làm cơ sở dự báo, tính toán các chỉ tiêu kinh tế-xã hội cho việc lập quy hoạch theo từng thập kỷ và xác định nguồn lực, khả năng thực hiện quy hoạch.

Đối với Điều chỉnh Quy hoạch chung, thời hạn quy hoạch xác định từ thời điểm lập quy hoạch để làm cơ sở và dự báo, tính toán các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật. Quy hoạch Thủ đô xác định chỉ tiêu kinh tế-xã hội, còn Điều chỉnh Quy hoạch chung thì xác định chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cho việc lập quy hoạch. Thời hạn theo Luật Quy hoạch đô thị 2009 thì được xác định từ 20 năm đến 25 năm để bảo đảm tính dự báo, tầm nhìn, khả năng để thực hiện quy hoạch.

Sau khi lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng cùng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sẽ có báo cáo nghiên cứu, tiếp thu tất cả ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, của Quốc hội để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định.

Đề cập một số nội dung mới của đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, về định hướng phát triển, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung được lập cùng với Quy hoạch Thủ đô, do đó tầm nhìn và dự báo phát triển đến năm 2050 phù hợp Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời phù hợp các quy hoạch cấp trên theo Luật Quy hoạch năm 2017. Điều chỉnh Quy hoạch chung kế thừa và điều chỉnh quy mô cấu trúc đô thị, đó là chùm đô thị đa cực, đa trung tâm, với 5 vùng đô thị, bao gồm vùng đô thị trung tâm; vùng đô thị phía đông; vùng đô thị phía bắc; vùng đô thị phía tây; vùng đô thị phía nam. Hệ thống các đô thị này phân cách bằng các hành lang xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, giao thông hướng tâm.

Trong đồ án điều chỉnh lần này, Hà Nội nhấn mạnh việc kiểm soát phát triển không gian đô thị và nông thôn; xây dựng hình thái quy hoạch kiến trúc đặc trưng; kiểm soát chặt chẽ quy hoạch về chiều cao công trình, mật độ xây dựng của từng khu vực, đặc biệt là khu vực nội đô; lựa chọn các chỉ tiêu sử dụng đất, sử dụng không gian, hạ tầng kỹ thuật... Yêu cầu phát triển trong khu vực chức năng đặc thù cũng được làm rõ. Đối với khu vực nội đô, khu vực đô thị hiện trạng, làng xóm được đô thị hóa, đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung tập trung cho công tác cải tạo, tái thiết đô thị và nông thôn; quan tâm cải tạo khu vực nội đô, cải tạo các khu dân cư, các khu chung cư cũ...