Xử lý kiên quyết hơn với dự án treo

Chậm đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, để đất hoang hóa gây lãng phí tài nguyên..., là nội dung được cử tri kiến nghị giải quyết trong các kỳ tiếp xúc cử tri nhiều năm qua. Tuy vậy, việc giải quyết của cơ quan chức năng lại chưa được như mong đợi của người dân.
0:00 / 0:00
0:00

Không khó để bắt gặp các dự án treo ở Hà Nội. Có những khu “đất vàng” trị giá lên đến hàng nghìn tỷ đồng đang bỏ hoang, lãng phí. Để xử lý tình trạng này, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều quyết định thu hồi đất đối với các dự án treo, nhưng con số chưa đáng là bao.

Mới đây, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục có thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh về kết quả kiểm tra, rà soát 64 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh.

Đáng lưu ý, Chủ tịch thành phố chỉ đạo thống nhất với các phương án xử lý đối với 64 dự án chậm triển khai này, theo đó, có 15 dự án phải khẩn trương thực hiện chấm dứt, dừng, tạm dừng dự án, rà soát về quy hoạch, đồng thời đề xuất phương án sử dụng đất theo quy định, báo cáo thành phố kết quả trước ngày 30/4/2023. Với 49 dự án còn lại, có dự án bị chấm dứt thực hiện, cũng có dự án sẽ được xem xét, tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ...

Động thái này được giới chuyên gia đánh giá cao, nhưng kỳ vọng phải được thực hiện quyết liệt hơn nữa. Không chỉ ở Mê Linh nhiều quận, huyện khác trên địa bàn thành phố vẫn còn khoảng 400 dự án treo kéo dài, đang trong diện chờ xử lý. Cho nên, việc xử lý rốt ráo các dự án treo chính là thời cơ cởi gỡ một vài điểm nghẽn khi cả nước đang đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Thực tế, quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ những hạn chế nhất định, chưa khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội. Vấn đề làm sao để đưa đất vào sử dụng kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, nhằm tạo ra nguồn lực phát triển, các ý kiến đều thống nhất phải công khai, minh bạch từ khâu lập quy hoạch sử dụng đất, đến việc xử lý sai phạm. Đây như phương thuốc để ngăn ngừa tham nhũng đất đai và bảo đảm quản lý hiệu quả, phát huy tối đa nguồn lực đất đai.

Bên cạnh đó, về góc độ trách nhiệm quản lý tại cấp cơ sở, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp và nhiều chuyên gia khác đề xuất, cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, quận, huyện, cán bộ tham mưu, tổ chức xây dựng kế hoạch sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất để nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng quản lý, sử dụng đất. Kiên quyết xử lý các chủ đầu tư cố tình “ôm” đất.