Quy hoạch-đầu tư

Hạ tầng xã hội phải đi trước một bước

Áp lực đô thị hóa dẫn đến tình trạng thiếu trường học tại các khu đô thị, thiếu chỗ gửi xe ở Hà Nội ngày càng gia tăng. Nguyên nhân thì có nhiều, song tựu trung là do chủ đầu tư thực hiện không đúng quy hoạch được phê duyệt, trong khi việc kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch từ chính quyền thành phố cho tới các sở, ngành, quận, huyện còn lỏng lẻo.
0:00 / 0:00
0:00

Theo báo cáo giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, năm 2022 Hà Nội triển khai 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở quy mô từ 2ha trở lên, trong đó, có tới 168 dự án chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chiếm tỷ lệ 63%. Kết quả rà soát của thành phố Hà Nội cho thấy, có 78 dự án khu đô thị mới có quy hoạch đất xây dựng trường học.

Còn nhiều dự án khu đô thị, nhà ở vẫn còn các ô đất quy hoạch, nhưng chủ đầu tư chưa xây trường học, dẫn đến tình trạng quá tải tại các trường công lập khu vực lân cận, như Khu đô thị Xuân Phương Viglacera, Khu đô thị Ngoại giao đoàn, Khu chức năng đô thị Ao Sào, Khu đô thị mới Cầu Bươu... Thậm chí có trường hợp khi điều chỉnh quy hoạch, các công trình giáo dục còn bị thay đổi về vị trí, hoặc bị “lấn ép” bởi những công trình khác.

Câu chuyện này thêm một lần nữa “nóng” lên tại buổi tiếp xúc cử tri của Bí thư Thành ủy Hà Nội, Đinh Tiến Dũng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội với cử tri quận Hoàng Mai, huyện Gia Lâm trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa qua. Cử tri đã nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan việc thiếu hạ tầng xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống hằng ngày của người dân.

Nhiều chủ đầu tư các dự án nhà ở khu đô thị chỉ chú tâm đến xây nhà để bán mà “bỏ quên” trách nhiệm xây dựng công trình hạ tầng công cộng, nhất là trường học. Các cử tri đề nghị các đơn vị chức năng có biện pháp buộc các chủ đầu tư phải đầu tư xây dựng hạ tầng hoặc đẩy nhanh việc bàn giao các ô đất quy hoạch xây dựng trường học, bãi đỗ xe... để thành phố lập dự án đầu tư xây dựng phục vụ nhân dân.

Trước thực trạng này, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, từ việc này, thành phố phải rút kinh nghiệm trong công tác quản lý đầu tư các khu đô thị trên địa bàn. Thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi để các chủ đầu tư thực hiện các dự án phát triển nhà ở, nhưng ngược lại các chủ đầu tư phải có trách nhiệm với thành phố, với người dân. Chủ đầu tư dự án khu đô thị phải xây dựng hạ tầng trường học, bệnh viện trước, mới được xây nhà, bán nhà.

Nhiều chuyên gia quy hoạch cho rằng, để triệt tiêu tình trạng chủ đầu tư “bỏ quên” hạ tầng rất cần phải thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát quy hoạch; đồng thời xử lý nghiêm các chủ đầu tư cố tình vi phạm. Bởi các dự án khu đô thị mới khi được duyệt đều có quy hoạch đất cho trường học, điểm đỗ xe..., nếu không có biện pháp kiểm tra, giám sát thì vấn nạn này vẫn tái diễn. Đặc biệt, thành phố cần thực hiện nghiêm quy định đối với các dự án mới, chủ đầu tư phải xây dựng bệnh viện, trường học trước khi xây nhà, bán nhà.