Nhiều năm qua, hướng phát triển của Thủ đô chủ yếu vẫn nằm ở phía nam sông Hồng, mặc dù từ năm 1992, thành phố đã đặt vấn đề phát triển đô thị hai bên bờ sông. Đáng chú ý, tình trạng bỏ hoang đất đai màu mỡ vùng bãi sông, sử dụng đất sai mục đích, thậm chí lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép tại vùng bãi ven sông diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân... Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã phải chỉ đạo đơn vị chức năng lập tổ công tác, sử dụng thiết bị bay không người lái ghi hình các vi phạm tại vùng bãi sông tại nhiều quận, huyện để có cơ sở xử lý.
Để khai thác giá trị vùng bãi sông Hồng, tháng 4/2022, Ủy ban nhân dân thành phố công bố quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000, với chức năng chính là không gian thoát lũ; trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với chức năng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa, dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô...
Hiện nay, trong quá trình lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố xác định sông Hồng trở thành một trục phát triển quan trọng của Thủ đô trong giai đoạn tới.
Mới đây, tại buổi tọa đàm “Gợi ý giải pháp phát triển Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050” do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế- xã hội, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội phối hợp Tập đoàn Metropoli Ecosystems tại Việt Nam tổ chức, các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc đều đồng tình quan điểm cần phải phát triển, khai thác tối đa điều kiện tự nhiên hiện có của sông Hồng.
Phó Viện trưởng phụ trách Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia, KTS Phạm Thị Nhâm cho biết, để khai thác bền vững trục không gian sông Hồng, thành phố cần tôn trọng tối đa tính thuận thiên, thuận theo các dòng chảy của sông Hồng, hạn chế bê-tông hóa và không chất tải hạ tầng quá lớn hai bên bờ sông. Khu vực bãi sông cần tạo ra chuỗi các công viên, vườn hoa lớn để người dân dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng…
Viện trưởng Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh nhấn mạnh, quy hoạch Thủ đô do đơn vị chủ trì xây dựng cũng định hướng sông Hồng trở thành trục phát triển quan trọng của Hà Nội. Quy hoạch sẽ góp phần tìm lời giải cũng như hành lang pháp lý để phát triển bền vững trục sông Hồng trong giai đoạn tới, nhất là trong bối cảnh mở rộng liên kết vùng, xây dựng đô thị thông minh, tăng trưởng xanh hiện nay.
Hy vọng, với định hướng rõ ràng được xác định trong quy hoạch phân khu đô thị và quy hoạch Thủ đô, trục không gian sông Hồng sẽ sớm được khai thác, phát triển hiệu quả, bền vững.