Đã có nhiều ý kiến đề xuất những vấn đề cần tháo gỡ khi triển khai tích hợp quy hoạch. Đơn cử như quy hoạch đô thị hiện nay bao gồm: Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Do đó, có chuyên gia cho rằng, cần bổ sung nội dung về nguyên tắc áp dụng đồ án quy hoạch để xác định chức năng của khu đất khi một khu đất đồng thời bị ảnh hưởng bởi ba đồ án quy hoạch nêu trên.
Hoặc về việc lập quy hoạch chi tiết đối với các dự án có quy mô xây dựng dưới 5ha, thực tế hiện nay, không chỉ Hà Nội mà nhiều địa phương khác có những dự án với phạm vi thực hiện lớn hơn 5ha, tuy nhiên diện tích các hạng mục xây dựng mới rất thấp. Điển hình như dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối, chỉ xây dựng một số hạng mục điều hành, nhà kỹ thuật, còn lại phần lớn diện tích là sân bãi và công trình hạ tầng như kênh, mương, lưới điện, sân phơi bùn, bể ngầm... Do đó, cơ quan chức năng cần sớm có quy định hướng dẫn cụ thể đối với việc lập quy hoạch chi tiết với các dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện.
Khi lập quy hoạch tỉnh, điểm khác biệt nổi bật so với các tỉnh là ranh giới lập quy hoạch tỉnh trùng với ranh giới lập quy hoạch chung đô thị cũng là nguyên nhân khiến cho công tác lập quy hoạch tỉnh ở Hà Nội gặp nhiều trở ngại. Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Trần Ngọc Chính cho hay, năm thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có Hà Nội, từ lâu đã lập quy hoạch chung xây dựng cho 20 năm, tầm nhìn đến 30, 40 năm trên cơ sở tuân thủ Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và các luật có liên quan.
Trong thực tế xây dựng đô thị, quy hoạch này đã phát huy tác dụng trong việc triển khai xây dựng và quản lý đô thị. Vì vậy, nếu thực hiện quy hoạch tỉnh cho năm thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Quy hoạch sẽ khó thực thi do những nội dung quan trọng như tổ chức không gian, cảnh quan, tổ chức hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và tổ chức quản lý các khu chức năng sẽ rất khó thực hiện, trong khi các quy hoạch trước đây đã đạt được yêu cầu từ 80% đến 90% theo Luật Quy hoạch.
Thực tế, trong quá trình triển khai Luật Quy hoạch đã có nhiều kiến nghị, đề xuất hướng tháo gỡ từ các địa phương, từ cơ quan chức năng. Để Luật Quy hoạch thật sự đi vào cuộc sống, mỗi đô thị cần xác định những yếu tố đặc thù liên quan nhằm xác định mức độ nghiên cứu của từng loại quy hoạch cho phù hợp, tránh chồng chéo, trùng lặp.
Vừa qua, Đoàn Giám sát Quốc hội đã có nhiều kiến nghị, trong đó kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các quy định về điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành. Rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật về công tác quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo, nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành không thống nhất với Luật Quy hoạch, làm phát sinh thêm quy trình thủ tục hoặc quy định thêm nội dung để công tác quy hoạch ngày càng hiệu quả.