Trước yêu cầu phát triển đô thị, trước mắt là để hoàn thành mục tiêu phát triển nhà trong giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 334/KH-UBND về khắc phục các hạn chế, khuyết điểm liên quan "Diện tích nhà ở bình quân năm 2021 chưa đạt được chỉ tiêu; nhiều dự án phát triển nhà ở, khu đô thị chậm tiến độ giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố".
Thành phố cho biết, trong năm 2023 sẽ cân đối bố trí đủ vốn để triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư sử dụng vốn ngân sách; triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung, nhà ở xã hội cho thuê phục vụ công nhân, người lao động tại khu, cụm công nghiệp và học sinh, sinh viên; tiếp tục rà soát quỹ đất 20%, 25% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị để phát triển nhà ở xã hội. Thành phố yêu cầu các nhà đầu tư tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện đáp ứng tiến độ và nội dung dự án đã được phê duyệt, bảo đảm đầu tư đồng bộ nhà ở với hệ thống hạ tầng, nâng cao chất lượng sống của người dân. Thành phố giao nhiệm vụ cụ thể cho những sở, ngành chức năng có liên quan và các quận, huyện trong quá trình thực hiện.
Về chỉ tiêu nhà ở, thành phố Hà Nội xác định năm 2023 dự kiến đạt 32.900m2 sàn, năm 2024 dự kiến đạt 361.700m2 sàn và năm 2025 dự kiến đạt 475.200m2 sàn. Nguồn vốn để hoàn thành phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025 là khoảng 12.350 tỷ đồng, trong đó, dự kiến nguồn vốn ngân sách khoảng 283 tỷ đồng, ngoài ra sẽ huy động vốn từ các doanh nghiệp, nguồn vốn cho vay ưu đãi của thành phố từ quỹ đầu tư phát triển, ngân hàng chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng khác… Theo nhiều chuyên gia, để giải quyết bài toán nhà ở và cân đối cung cầu, giải pháp mang tính tổng hợp trước tiên là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế về đầu tư kinh doanh bất động sản, sửa đổi bổ sung Luật Đất đai nhằm đáp ứng nhu cầu mới. Cùng với đó, thành phố cần nghiên cứu nhà ở thương mại giá rẻ ở nhiều nước trên thế giới.
Việc Hà Nội quyết tâm triển khai các biện pháp đẩy mạnh phát triển quỹ nhà ở là điều rất đáng mừng đối với người dân, nhất là với người có thu nhập thấp. Nhưng để hút người dân vào những dự án nhà ở xã hội, điều quan trọng nhất là phải phát triển hạ tầng giúp cải thiện kết nối giữa các khu vực ngoại ô với khu trung tâm và những khu vực làm việc. Làm được như vậy, nhà ở xã hội không chỉ góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, mà còn tạo đòn bẩy thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.