Ái Quốc là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Lộc Bình, người dân tộc Dao chiếm 98% số dân. Đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp cho nên tỷ lệ hộ đói, nghèo còn cao.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ái Quốc Đặng Văn Quang, triển khai thực hiện Nghị quyết số 08, xã đã có tám hộ được hỗ trợ vay vốn với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. Từ nguồn vốn được vay, các hộ chăn nuôi được 74 con ngựa bạch, 20 con trâu, trồng mới trên 10ha rừng và mua phân chăm sóc rừng đã có.
Phòng Nông nghiệp huyện Lộc Bình đã phối hợp Ủy ban nhân dân xã Ái Quốc mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân có kiến thức áp dụng vào thực tế. Sau khi các hộ vay vốn, xã thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ phát triển mô hình.
Trước đây, gia đình anh Triệu Tiến Hình, thôn Hòa Bình, chỉ nuôi từ hai đến ba con ngựa bạch. Năm 2021, gia đình anh được hướng dẫn làm các thủ tục, hồ sơ vay vốn và giải ngân số tiền 300 triệu đồng để mở rộng quy mô chuồng trại và tăng đàn ngựa với số lượng 20 con.
Anh Hình chia sẻ: “Tháng 10/2022 vừa qua, gia đình tôi xuất bán 10 con ngựa đem lại thu nhập 500 triệu đồng. Được vay vốn theo chương trình hỗ trợ này, gia đình tôi thấy rất thiết thực và là động lực để tiếp tục phát triển sản xuất”.
Tương tự, gia đình anh Triệu Tiến Long, thôn Phạ Thác cũng được hỗ trợ vay 300 triệu đồng, với mức hỗ trợ 50% lãi suất để đầu tư trồng mở rộng sản xuất, trồng mới 5,5ha rừng thông và có vốn chăm sóc rừng thông. Đến nay, gia đình anh Long có 5ha đang cho khai thác nhựa, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Bí thư Đảng ủy xã Ái Quốc Triệu Tiến Thanh cho biết: Hiện nay, xã Ái Quốc đã có 12 hộ gia đình chủ động viết đơn xin thoát nghèo, chiếm tỷ lệ 2,4% số hộ trong xã. Đây thật sự là những tấm gương tiêu biểu, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân nơi đây, xóa tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Gia đình anh Hoàng Hữu Thắng, thôn Quang Khao là một trong những người đầu tiên ở xã Ái Quốc chủ động viết đơn xin thoát nghèo.
Anh Thắng chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn. Năm 2010, nhận thấy trồng rừng cho hiệu quả kinh tế cao cho nên tôi đã tập trung chăm sóc, phát dọn thực bì rừng thông, trồng mới để mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình có 10ha thông, trong đó có 8ha đã cho thu hoạch nhựa từ năm đến sáu tấn nhựa thông mỗi năm. Nhờ đó, đời sống được cải thiện, cuộc sống ổn định”.
Ông Đặng Văn Bảo, thôn Khuổi Thướn cho biết: “Gia đình tôi trước đây thuộc hộ cận nghèo của xã. Để nâng cao thu nhập, từ năm 2012, tôi đã chú trọng chăm sóc rừng thông trồng từ năm 1998. Cùng đó, tôi trồng thêm các loại cây ngắn ngày để có thu nhập trang trải cuộc sống. Đến nay, gia đình đã có hơn 6ha thông, trong đó có 4ha đã cho thu hoạch nhựa. Ba năm qua, mỗi năm gia đình tôi khai thác được hơn bốn tấn nhựa thông, cho thu nhập ổn định. Tháng 10/2022, tôi viết đơn xin thoát hộ cận nghèo”.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lộc Bình Hoàng Văn Chiều khẳng định: Thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững là chìa khóa nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con các dân tộc. Những năm qua, huyện đã tăng cường chỉ đạo các xã triển khai các biện pháp hỗ trợ các hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và hỗ trợ cây, con giống để người dân phát triển sản xuất.
Đến nay, trên địa bàn các xã đã có nhiều hộ gia đình bà con dân tộc Tày, Nùng, Dao... chủ động làm đơn xin thoát nghèo, thoát cận nghèo. Đây thật sự là những tấm gương sáng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong hành trình vươn lên thoát nghèo của người dân ở một huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Lạng Sơn.